Xuất khẩu gạo: ta tự làm khó mình

Trong điều kiện thị trường gạo thế giới diễn biến không theo logic thông thường, xuất khẩu mặt hàng nông sản chiến lược này của nước ta năm nay cũng phải đối mặt với những khó khăn hiếm có và hiện cũng đã có những dấu hiệu cho thấy tình trạng này vẫn còn tiếp diễn trong năm tới. Thế nhưng, rất có thể những khó khăn này không chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan.
Người dân ở ĐBSCL đang thu hoạch lúa.Ảnh: TL.

“Tiên trách kỷ”
Trước hết, theo ITC, tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới nửa đầu năm nay đạt 15,2 triệu tấn, giảm không đáng kể so với cùng kỳ 2015, nhưng giá bình quân của toàn bộ “rổ gạo” chỉ đạt 502 đô la Mỹ/tấn, giảm mạnh 13,3%.
Trong đó, Thái Lan tăng mạnh lượng xuất khẩu lên xấp xỉ năm triệu tấn nhưng giá cũng giảm mạnh 10,5%, chỉ còn 440 đô la Mỹ/tấn. Ngược lại, Ấn Độ chọn kịch bản giảm 9,2% lượng gạo xuất khẩu, xuống còn gần 5,5 triệu tấn; giá bình quân cũng giảm mạnh 13%, xuống còn 526 đô la Mỹ/tấn.
Trong khi đó, xuất khẩu của nước ta “tụt dốc không phanh” liên tục trong ba tháng 5-7, nhưng giá bình quân bảy tháng lại đạt 450 đô la Mỹ/tấn, tăng 4,9% và cao hơn đáng kể so với của Thái Lan.
Rất có thể sẽ có ý kiến phản biện rằng, sở dĩ giá gạo của chúng ta tăng như vậy là do xuất khẩu gạo thơm tăng. Điều đó chắc chắn đúng, nhưng chỉ là một phần của câu chuyện. Bởi lẽ, kể từ năm 2009 đến nay, đây là lần thứ hai giá của chúng ta cao hơn của Thái Lan, còn lượng thì cũng tụt dốc như vậy.
Bên cạnh đó, các số liệu thống kê khác cũng cho thấy, việc khách hàng quay lưng lại với chúng ta là vì lý do giá cả.
Đó là, Malaysia cho đến thời điểm này vẫn không giảm tổng lượng gạo nhập khẩu, nhưng họ giảm mạnh phần nhập của chúng ta và tăng mạnh phần của Thái Lan. Hoặc như Trung Quốc, họ giảm mạnh nhập khẩu của chúng ta nhưng vẫn giữ nguyên lượng nhập khẩu của Thái Lan… Nếu tính chung bốn thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của chúng ta gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia thì tám tháng qua chúng ta bị giảm gần 600.000 tấn, gần bằng tổng mức giảm xuất khẩu ra thị trường thế giới, trong khi Thái Lan lại tăng mạnh như nói trên và riêng bốn thị trường chủ yếu của chúng ta chiếm một phần ba tổng mức tăng đó.
Có lẽ, nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta rơi vào tình thế khó khăn hiện nay là do đã đẩy giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu lên ngược chiều với giá thế giới ở thời điểm xác định được lúa đông xuân mất mùa chưa từng có, nhưng lại quên mất rằng, tổng sản lượng lúa thế giới không giảm nhiều và dự trữ gạo thế giới cũng tăng rất nhiều so với những dự báo trước đó, trong khi nhập khẩu gạo thế giới được dự báo sẽ còn giảm nhiều hơn.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, tuy khó khăn có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng rõ ràng là chính chúng ta đã tự làm khó mình.
Thêm một quyết định không sáng suốt?
Cho dù mức điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu gạo năm nay của nước ta là rất lớn, nhưng ngay cả mục tiêu này có thể cũng vẫn khó thực hiện bởi hai lẽ:
Thứ nhất, triển vọng tăng tốc xuất khẩu gạo vào bốn thị trường chủ yếu Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia trong những tháng tới rất mong manh.
Trong đó, có nhiều khả năng Malaysia sẽ vẫn tiếp tục giảm thị phần nhập khẩu gạo của nước ta và tăng thị phần nhập khẩu gạo của Thái Lan do giá gạo của Thái Lan tiếp tục rất cạnh tranh. Còn Trung Quốc vẫn liên tục được mùa, kho gạo dự trữ ngày càng phình to, cho nên sẽ vẫn ưu tiên nhập khẩu gạo của Thái Lan theo hợp đồng liên chính phủ một triệu tấn mới được ký giữa hai nước, và do vậy, sẽ tiếp tục làm khó dễ cho gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, cho dù FAO và USDA dự báo năm nay Indonesia sẽ nhập khẩu 1,5-1,8 triệu tấn gạo, nhưng trái với những dự báo mất mùa trước đây, dự báo mới nhất lại cho rằng nước này năm nay được mùa 640.000 tấn gạo và năm 2017 cũng sẽ tiếp tục được mùa 400.000 tấn. Trong điều kiện mùa màng như vậy và đặc biệt là giá gạo trên thị trường của nước này trong 20 tháng qua vẫn bình ổn quanh mức một đô la Mỹ/ki lô gam, cho nên ít có khả năng nước này sẽ nhập khẩu nhiều trong những tháng tới.
Trong điều kiện như vậy (chỉ riêng thị trường Philippines sẽ tiếp tục nhập khẩu) thì chắc chắn sẽ không giúp chúng ta giải tỏa được những khó khăn hiện nay.
Thứ hai, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm tới, thế giới sẽ được mùa 15 triệu tấn lúa và điều rất quan trọng nữa là được mùa lúa mỳ, đồng thời được mùa ngô kỷ lục, còn nhu cầu nhập khẩu gạo lại giảm và dự trữ gạo sẽ tiếp tục tăng.
Nếu như kịch bản này diễn ra, đương nhiên chủ trương tăng tối đa diện tích lúa vụ ba ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được triển khai là không sáng suốt. Bởi lẽ, trong điều kiện xuất khẩu gạo tiếp tục đối mặt với khó khăn, lượng gạo tồn kho càng lớn đồng nghĩa với khó khăn càng lớn và thu nhập của nông dân trồng lúa càng nhỏ, thậm chí là thua lỗ.
Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes.vn)

028.37273883