Bấp bênh cây lúa

Các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa thu đông trong điều kiện thất mùa và giá sụt giảm khiến nhiều nông dân như ngồi trên lửa. Như vậy, sau vụ xuân hè, đông xuân và hè thu hàng loạt diện tích lúa ở ĐBSCL bị hạn, mặn hoành hành, mưa dầm ập đến… gây thiệt hại tràn lan thì nông dân kỳ vọng vào vụ thu đông để gỡ nợ, nhưng cuối cùng tiếp tục thua trắng. Cây lúa đang đối mặt với quá nhiều rủi ro…
Hàng ngàn ha lúa chuyển sang trồng hoa màu giúp nông dân có thu nhập cao hơn

Mất mùa, mất giá!
Chỉ cho chúng tôi ruộng lúa của gia đình rộng gần 15 công ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), vợ chồng chị Lê Thị Cẩm Giang than thở: “Đã nhiều năm canh tác lúa nhưng chưa bao giờ chúng tôi lâm vào cảnh khó như hiện nay. Sau 2 vụ đông xuân và hè thu không có lời, thì vụ thu đông này vợ chồng tôi tập trung chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, năm nay chuột cắn lúa dữ dội, cộng thêm sâu bệnh xuất hiện tràn lan nên cuối vụ chỉ thu hoạch được khoảng 600 – 650kg/công, giảm từ 150-200kg/công so vụ thu đông năm ngoái. Năng suất giảm đã đành, nào ngờ giá lúa sụt chỉ còn 4.000 đồng/kg lúa tươi loại thường, từ 4.300- 4.400 đồng/kg lúa tươi hạt dài… tính ra nông dân không có lãi”. Cũng ngao ngán về lúa thu đông, ông Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ, ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tâm sự: “Vùng này chuyên canh về lúa và đã canh tác 3 vụ nhiều năm, nhưng năm nay năng suất thấp nhất. Nếu như vụ thu đông những năm trước đạt không dưới 5,5 – 6 tấn/ha thì vụ này chỉ đạt 5 tấn/ha trở lại. Nguyên nhân do thời tiết bất lợi, lúa bị lép hạt, sâu bệnh nhiều, khiến chi phí đầu tư cao, trong khi giá bán thấp nên không có lãi”.
Tại Hậu Giang, Kiên Giang… nông dân cũng đang lo lắng về lúa thu đông mất mùa, mất giá. Ông Lâm Văn Sáu, ngụ tại xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tâm sự: “Ở vùng nông thôn sâu nếu không làm lúa thì nông dân không biết làm gì để sống, bởi ở đây chẳng có nhà máy hay xí nghiệp, còn đi làm thuê cũng ít ai thuê. Chính vì vậy mà nhiều hộ dù không có đất nhưng cũng vay nợ để thuê đất làm lúa với giá khoảng 40 triệu đồng/ha/năm. Chẳng ngờ, 2 vụ đầu là đông xuân và hè thu đều không có lãi, đến vụ thu đông này cũng tiếp tục thua, đẩy nông dân vào thế khó”.
Ông Danh Hậu, Trưởng ấp Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho hay, sau khi 1.000ha lúa đông xuân năm 2016 bị thiệt hại do hạn, mặn thì nông dân nỗ lực làm đất gieo sạ lại. Nay lúa tiếp tục thất mùa do cháy lá, sâu bệnh… thế là nợ chồng nợ. Những ngày qua đã có nhiều hộ rời quê lên TPHCM, Bình Dương… làm thuê kiếm sống.
Theo Bộ NN-PTNT, kế hoạch sản xuất vụ thu đông năm 2016 ở ĐBSCL khoảng 867.000ha. Hiện tại, những nơi xuống giống sớm đang thu hoạch, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên năng suất không cao.
Soán ngôi… cây lúa
Các nhà khoa học lo lắng khi năm nay lũ ở ĐBSCL tiếp tục không về. Lũ nhỏ, kéo theo những hệ lụy như thiếu phù sa bồi đắp đồng ruộng, sâu bệnh tăng, hạn hán và xâm nhập mặn dự báo gay gắt hơn trong thời gian tới… tất cả sẽ gây bất lợi cho canh tác lúa. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng lo ngại bởi tình hình xuất khẩu gạo năm nay vô cùng khó, do thị trường giảm. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo chỉ đạt 3,37 triệu tấn, kim ngạch 1,51 tỷ USD, giảm tới 16,6% về khối lượng và giảm hơn 13% về giá trị. GS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đặt vấn đề: “Gạo của Việt Nam ngày càng giảm giá trên thị trường thế giới, từ đó ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Đã đến lúc cần nhìn thấu đáo về sản xuất lúa gạo để tìm hướng đi mới phù hợp hơn”. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể phân tích: “Nông dân ĐBSCL đóng góp khá nhiều vào an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trong nhiều năm qua, tuy nhiên nhìn vào thực tế thì số hộ sản xuất lúa làm giàu không nhiều; ngoài ra diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, nước mặn sẽ tiếp tục lấn sâu vào đất liền và cây lúa bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bên cạnh đó, giá lúa hiện đang đi xuống thì giá trái cây lại tăng mạnh và xuất khẩu trái cây rất ấn tượng. Hiện tại những nông dân trồng bưởi da xanh ở Sóc Trăng có lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần cây lúa; hay như nuôi tôm hiệu quả cũng thu nhập hơn lúa rất nhiều. Vì vậy, Sóc Trăng không yêu cầu nông dân trồng lúa bằng mọi giá, mà nên tính toán chuyển đổi cơ cấu hợp lý theo điều kiện từng nơi và nhu cầu thị trường”.
Theo UBND tỉnh An Giang, qua tính toán thì vòng quay đất ở An Giang đạt bình quân tới 2,76 vụ/năm, việc khai thác đã quá nhiều và năng suất lúa đã đội trần, nên rất khó tăng thêm được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp tăng chậm lại và thiếu bền vững. Vì vậy, cần nghiêm túc xem xét chuyển đổi đất lúa phù hợp, giảm diện tích canh tác nhưng ứng dụng khoa học để tăng giá trị và lợi nhuận… Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, giá thành cao, tiêu thụ bấp bênh… đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải thay đổi. Trong tái cơ cấu nông nghiệp thì Đồng Tháp xác định 5 ngành hàng chủ lực và lúa gạo chỉ là 1 trong 5 ngành hàng này. Những ngành hàng như hoa kiểng, chuyên canh xoài xuất khẩu, nuôi vịt… có hiệu quả bước đầu khích lệ, thu nhập cao hơn lúa nên tỉnh tập trung phát triển. Đối với những vùng buộc phải trồng lúa thì tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông dân với doanh nghiệp, quy tụ vào hợp tác xã để khép kín từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến kỹ thuật canh tác, tiêu thụ… nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Điểm sáng ở Đồng Tháp là liên kết với doanh nghiệp ứng dụng mô hình “nông nghiệp thông minh”, giảm được thời gian lao động, giảm lượng phân bón và tăng hiệu quả…”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, do giá trị kinh tế của cây lúa không cao nên tới đây cây lúa sẽ phải “lùi lại”. Cây ăn trái, nuôi thủy sản… rất triển vọng và có thể giúp nông dân làm giàu; vì vậy ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển các sản phẩm này trên cơ sở gắn với thị trường thế giới và thích ứng biến đổi khí hậu…

Theo Bộ NN-PTNT, trong 3 năm gần đây toàn vùng ĐBSCL đã chuyển đổi khoảng 78.375ha đất lúa sang trồng 23.920ha rau, 15.961ha dưa hấu, 14.792ha bắp, 13.117ha mè, 2.549 ha đậu tương, 2.777ha thanh long và 2.162ha cây khác. Nhiều diện tích chuyển đổi tăng hiệu quả kinh tế từ 20% – 30% so trồng lúa, riêng trồng bắp ở An Giang và Đồng Tháp lợi nhuận cao gấp 1,5- 1,8 lần trồng lúa… Đối với vụ thu đông và hè thu năm 2016, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục chuyển khoảng 8.027ha đất lúa sang trồng đậu xanh, dưa hấu, bắp…

Huỳnh Phước Lợi (Báo SGGP)

028.37273883