Sau khi báo Tin Tức thông tin về việc Thái Lan sắp bán toàn bộ hơn 11 triệu tấn gạo dự trữ và những ý kiến lo ngại tác động đối với gạo Việt Nam, ngày 29/4, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có ý kiến phản hồi về vấn đề này.
Theo đó, tình hình thị trường gạo thế giới tiếp tục biến động khó lường vì thế Việt Nam cần có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành.
Biến động khó lường
Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục chịu áp lực từ diễn biến khó lường của các thị trường gạo thế giới, không chỉ về giá xuất khẩu mà còn về chất lượng, thương hiệu. Hiện lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt Nam không còn như các năm trước khi “vựa lúa gạo” Thái Lan chấp nhận bán ra với giá thấp để giải quyết vấn đề tồn kho.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ – TTXVN
Thực tế, chương trình giải phóng tồn kho của Thái Lan đã được thực hiện từ những năm trước. Tuy vậy, việc xuất hiện thông tin nước này xả lượng gạo tồn kho lớn cho thấy chúng ta cần có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành. Ngoài ra, sự thay đổi về chính sách của các nước nhập khẩu truyền thống theo hướng tăng cường sản xuất trong nước, cũng như thách thức từ việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới… là những yếu tố tác động tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; khai thác tiềm năng, cơ hội từ các FTA đã ký; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam.
Chủ động điều hành
Tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ, Thương vụ Việt Nam tại các nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường theo dõi sát tình hình thị trường để kịp thời, chủ động nắm thông tin thị trường phục vụ công tác điều hành của Chính phủ.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2016, Bộ sẽ có cơ chế chia sẻ, trao đổi và phân tích, đánh giá thông tin thị trường với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất lúa gạo; gắn sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần bảo đảm sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi (nhất là nguồn vốn trung, dài hạn đầu tư xây dựng kho chứa, lò sấy tại vùng nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ đầu tư ứng trước đầu vào cho nông dân và thu mua lúa từ vùng nguyên liệu); phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo.
Bộ sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân đầu mối tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt. Đối với các địa phương có liên quan, Bộ chỉ đạo các sở, ngành chức năng có chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.
Hoàng Dương – Uyên Hương (Báo Tin Tức)