‘Gót chân Asin’ của ngành điều Việt

 

Năm 2015, Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về chế biến hạt điều. Tuy nhiên, khi ở ngôi vị quán quân, ngành điều của Việt Nam vẫn có nhiều khó khăn và thử thách, lọ mọ “gót chân Asin”.
    
Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm
Năm 2015, sản lượng điều chế biến của Việt Nam đã vượt Ấn Độ, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về chế biến điều. Trong năm này, sản lượng điều thô trong nước đạt 1,4 triệu tấn, chiếm gần 50% sản lượng thế giới (hơn 2,9 triệu tấn).
 
Người dân trồng giống điều cao sản. Ảnh:  S.T

 

Năm qua, Việt Nam đã nhập khẩu gần 900.000 tấn điều thô từ 25 quốc gia để chế biến xuất khẩu, phần lớn là từ các nước châu Phi, Campuchia. Thế giới đánh giá rất cao năng lực chế biến điều của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, trong một hội nghị của ngành điều thế giới tổ chức ở Dubai cách đây chưa lâu, ông đã rất buồn khi hình ảnh ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam xuất hiện đầy phản cảm: “Một đoạn video quay cảnh những hạt điều ở Việt Nam phơi trên tấm bạt trải dưới nền đất, cạnh đó là những con vịt đi qua đi lại, người dân lại dùng chiếc bàn cào để cào trộn hạt điều trên sân và những người lột vỏ điều đeo găng tay dính nhựa điều đen kịt…
 
Người chủ cơ sở trong đoạn video còn tuyên bố sẽ trở thành doanh nghiệp chế biến đứng đầu cả nước trong 10 năm tới… Tôi thực sự rất buồn. Phải nhờ người nói hộ ban tổ chức đừng chiếu nữa. Đoạn video này khiến người nước ngoài rất sốc. Sự thực rằng, những hình ảnh này không đại diện cho ngành chế biến điều ở Việt Nam khi chúng ta có các nhà máy hiện đại, đảm bảo vệ sinh. Nhưng nó vẫn là đề tài, thậm chí kẽ hở để các đối thủ, nước khác săm soi, gây mất uy tín”.
Thực tế cho thấy, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là nỗi lo khi đã có không ít lô hàng nhân điều xuất khẩu đã bị trả về do nhiễm vi khuẩn Salmonella, E.coli.  Trong đó, có trường hợp bị lây nhiễm chéo khi hàng đã khử trùng. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) từng kiểm tra ATVSTP tại các nhà máy chế biến. Trong 32 doanh nghiệp thì gần một nửa đã có vấn đề.
Không chỉ vậy, ở trong nước, một số công ty vốn không gắn bó với lợi ích của ngành điều đã tự ý rao bán, ký kết các hợp đồng bán máy móc, thiết bị chế biến điều cho chính những nước đang xuất khẩu điều thô cho Việt Nam. Khi đó, những nước này sẽ không mặn mà bán điều thô khi đã sở hữu được công cụ chế biến làm tăng giá trị hạt điều của họ. Điều này theo nhiều chuyên gia trong ngành sẽ “bức tử” ngành điều trong nước.
 
Nguồn cung bất trắc
Ông Thanh cho biết, trong 5 tiêu chí đánh giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam, truy xuất nguồn gốc chúng ta mắc 6 lỗi, tạp chất 5 lỗi, độ ẩm 3 lỗi, màu sắc 3 lỗi và sâu sống 6 lỗi, cao hơn nhiều nước khác. “Trước đây, khi chúng ta chưa lớn mạnh không ai quan tâm nhiều. Nhưng bây giờ, khi trở thành “hoa hậu” của ngành điều, mọi cử chỉ nhất cử nhất động đều bị để ý rất kỹ. Chính vì thế, càng phải khắc phục cho bằng được những lỗ hổng này”– ông nói.
Ngày 7.4 vừa qua, VINACAS đã gửi công văn đến các nước xuất khẩu điều thô để giải thích về yêu cầu được trợ giá từ các nước này. Trước đó, mặc dù rất nhiều lần vi phạm hợp đồng như giao hàng chậm, hàng kém chất lượng, hủy hợp đồng… nhưng những nước xuất khẩu điều như Bờ Biển Ngà, Nigieria… luôn yêu cầu phải trợ giá. VINACAS phải giải thích việc trợ giá các lô hàng giao tháng 4 – 5.2016 là không thể thực hiện được vì đa số các lô hàng này đã cân đối sản xuất và ký bán nhân cho khách hàng nước ngoài. Mặt khác, việc trợ giá đó là không đảm bảo công bằng thương mại đối với phía doanh nghiệp Việt Nam và tạo tiền lệ xấu trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hạt điều trong những năm sau.
Công văn cũng nếu rõ, trong năm nay, Việt Nam sẽ có đánh giá phân loại các nhà cung cấp điều thô cho Việt Nam theo một thang điểm mới (kể cả các nhà môi giới). Đến cuối năm nay, VINACAS sẽ công bố danh sách các doanh nghiệp xấu (doanh nghiệp không giao hàng điều) trong thực hiện hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam.
Các nhà nhập khẩu điều thô trong phiên họp đã thống nhất sẽ không tiếp tục mua hàng của các đối tác xù hợp đồng của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Cách đây chưa lâu, ngày 13.4, sau nhiều ý kiến phản đối, VINACAS phải gửi công văn yêu cầu Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM không được chuyển giao công nghệ chế biến điều nguyên liệu cho Bờ Biển Ngà vì lo ngại doanh nghiệp lẫn người lao động trong ngành bị ảnh hưởng.
Một lỗ hổng nữa của ngành điều là mất cân đối giữa sản lượng xuất khẩu cao ấn tượng và diện tích, sản lượng trong nước giảm dần. Là một nước có điều kiện thổ nhưỡng rất thuận lợi cho cây điều, với năng suất rất cao (gấp 3 lần so với Bờ Biển Ngà), Việt Nam đã từng sản xuất đủ điều thô để cung cấp cho ngành sản xuất hạt điều. Thế nhưng, ưu thế đó dần mất đi khi Việt Nam phải nhập khẩu  gần 900.000 tấn điều thô.


Đại diện VINACAS cảnh báo, từ nay đến năm 2020, có khoảng 60.000ha điều cần tái canh và cải tạo. Như vậy, mỗi năm cần hàng triệu cây giống để trồng mới. Yêu cầu kỹ thuật khi cành dùng để ghép phải trên 8 năm tuổi mới có năng suất ổn định. Phải quản lý chặt chẽ và kiểm soát được chất lượng cây giống vì các vườn ươm rất dễ chạy theo lợi nhuận, sử dụng cây còn non, chưa đủ tuổi để ghép. Điều này sẽ gây hậu quả rất lớn khi một nửa diện tích cây trồng không đạt tiêu chuẩn và khiến năng suất giảm mạnh.

028.37273883