Trước việc Thái Lan muốn bán ồ ạt trên 11 triệu tấn gạo, Bộ Công thương đề nghị Bộ Nông nghiệp vào cuộc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp.
Thái Lan muốn bán ồ ạt khoảng 12 triệu tấn gạo, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ ra sao?
Theo văn bản của Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tài chính về tình hình xuất khẩu gạo cũng như nguy cơ, thách thức khi Thái Lan muốn bán ồ ạt khoảng 12 triệu tấn gạo, Bộ Công thương khẳng định xuất khẩu có thể bị cạnh tranh gay gắt…
Theo Bộ Công thương, số liệu cho thấy tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2016 vẫn ở mức khá: đã cán mức 1,55 triệu tấn, đạt 680 triệu USD – tăng khoảng 38% cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ 2015.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chủ yếu của gạo Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Malaysia, đặc biệt có Indonesia quý qua tăng rất mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số thị trường lại giảm, như Philippines, Châu Âu…
Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam so với Thái Lan quý qua, theo Bộ Công thương đã thu hẹp. Gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt mức giá 370-380 USD/tấn, trong khi gạo Thái là 380-390USD/tấn.
Việc Thái Lan định bán ra thị trường trên 11 triệu tấn gạo, Bộ Công thương nhận định Thái Lan đang tồn kho 12 triệu tấn gạo, nhưng có 7,5 triệu tấn gạo dưới chuẩn, 1,5 triệu tấn để chế biến công nghiệp và 2,4 triệu tấn gạo mục, hỏng…
Tuy nhiên, Bộ này vẫn nhận định tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ gặp thách thức, gặp cạnh tranh gay gắt không chỉ từ Thái Lan mà còn từ Myama, Campuchia, Ấn Độ… Nên bộ Công thương định hướng tăng cường xúc tiến thương mại, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ gạo, nâng cao chất lượng và giá trị gạo Việt Nam.
Ngoài ra, để ứng phó thách thức lớn sắp tới, Bộ Công thương đề nghị Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cần rà soát lại các cam kết quốc tế của Việt Nam về kiểm dịch thực vật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tạo điều kiện đa dạng hóa thị trường.
Trước mắt, Bộ Công thương thẳng thắn yêu cầu đàm phán lại nghị định thư với Trung Quốc về kiểm dịch thực vật với gạo để phù hợp thông lệ quốc tế, tránh bất lợi cho gạo Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn rà soát danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép nhập khẩu, sản xuất và lưu hành tại Việt Nam, loại bỏ ngay những loại thuốc có chứa chất độc hại.
Trước băn khoăn của báo chí lo ngại nước ngoài sẽ mua gạo Thái được bán ồ ạt rẻ hơn, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương nêu hiện chưa biết giá cụ thể của Thái Lan nên đề nghị và cho biết Bộ Công thương đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên, ông Hải từ chối tiết lộ thông tin cụ thể. Ông Hải định hướng Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung vào những hợp đồng nhỏ hơn, những thị trường như Trung Cận Đông, Châu Phi…
C.V. Kình (Báo Tuổi Trẻ)