Vụ hè thu tại ĐBSCL: Nông dân tích nước chờ mưa

 

Cho tới cuối tháng 4.2016, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống trên 773.000ha, đạt gần 50% kế hoạch. Diện tích xuống giống sẽ tăng nhanh vào những ngày tới, do lượng nước từ sông Mekong đã về và nhiều địa phương bắt đầu có mưa đầu mùa.  

Tranh thủ nguồn nước
Lần đầu tiên tại ĐBSCL, cụm từ “tranh thủ lấy nước” xuất hiện và được nông dân áp dụng một cách triệt để. Giá lúa gần đây tiếp tục tăng cao là động lực để nông dân sản xuất chính vụ hè thu. Tuy vậy, vấn đề nước được chú ý hàng đầu. Tại tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp, đến nay, nông dân đã xuống giống được 187.000ha, đạt 96% diện tích.
Tại huyện đầu nguồn Tân Hồng, Đồng Tháp, nông dân đang tích cực chủ động xuống giống kịp thời vụ lúa hè thu. Thuận lợi của Đồng Tháp là có hệ thống thủy lợi tương đối đồng bộ, những cánh đồng hợp tác được hình thành nên việc xuống giống nhanh hơn. Ông Nguyễn Minh Hoàng (huyện Tân Hồng) cho biết: “Hợp tác xã đã tiến hành bơm nước vào ruộng để nông dân xuống giống kịp thời vụ. Tranh thủ thời gian có nước thượng nguồn đổ về, gia đình tôi sạ trên 10ha, hiện lúa đang phát triển tốt”.
Ông Nguyễn Văn Tài – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng – cho biết, huyện đã đầu tư nhiều tỉ đồng để nạo vét, cải tạo hệ thống chống hạn như kênh Cục (xã Tân Công Chí), kênh Cải Tránh 1 (xã Tân Phước), kênh Lộ 30 cũ (xã Thông Bình), kênh Tân Công Chí (xã Tân Thành A), kênh Sa Rài (thị trấn Sa Rài – Tân Thành B), kênh Phú Thành (xã An Phước)…
Trong khi đó, tại An Giang, tranh thủ nước trên sông Mekong đang đổ về cộng thêm quy luật của triều cường nên mực nước khá ổn định, đây có thể là thời điểm lấy nước vào đồng ruộng xuống giống vụ lúa hè thu tốt nhất trong tháng 4. Đến cuối tháng 4, toàn tỉnh đã xuống giống 30.000ha lúa, tăng 14.372ha so với cùng kỳ năm 2015.
Kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho thấy, phần lớn nông dân xuống giống giống lúa IR50404, do giống lúa này đang được giá cao.
Các địa phương có diện tích xuống giống vụ sản xuất hè thu nhiều, gồm: Tri Tôn (19.960ha), TP.Long Xuyên (3.084ha), Tịnh Biên (2.949ha), An Phú (767ha) và TP.Châu Đốc (637ha)…
Vừa xuống giống vừa chờ…mưa
Ông Nguyễn Hồng Anh – nông dân xã Đa Phước, An Phú, An Giang – cho biết, hiện mực nước trên các kênh rạch thấp hơn so với cùng kỳ từ 40 – 50cm, vì vậy để có nước phục vụ gieo sạ, các trạm bơm phải di dời về vị trí có lòng kênh sâu. Theo đó, chi phí cũng tăng từ 15 – 20% so với năm trước. Ngoài ra, các chi phí khác như làm đất, gieo sạ, phân bón cũng tăng, nhưng không đáng kể. Chi phí tăng lên trong vụ hè thu này là điều không tránh khỏi bởi việc bơm tưới gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, tại Tiền Giang, ngày 27.4, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1721/UBND-KTN về việc tăng cường lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất, dân sinh.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương tổ chức triển khai, thực hiện việc lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn; tổ chức kiểm tra, đo đạc, dự báo độ mặn tại từng cửa lấy nước, tranh thủ thời gian độ mặn cho phép, vận hành ngay các công trình thủy lợi để lấy nước, tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh trong thời gian tới.
Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới lúa hè thu sớm đã xuống giống, đặc biệt tưới đủ nước trong các lần bón phân và giai đoạn làm đòng, trổ; tập trung gieo trồng vụ hè thu chính vụ ở những vùng có nguồn nước ngọt ổn định; các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, có thể xem xét xuống giống trong tháng 45 trên cơ sở rà soát, đánh giá nguồn nước, chỉ xuống giống khi có phương án bảo đảm đủ nước tưới; các vùng đang bị nhiễm mặn và không có nguồn nước ngọt phải chờ mưa mới xuống giống.
Chuẩn bị các điều kiện đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông, nhằm bù đắp sản lượng lúa bị thiệt hại trong vụ đông xuân, trong đó phải triển khai sớm việc tu bổ, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, bảo đảm bảo vệ tuyệt đối cho lúa trong mùa lũ.
Trong khi đó, tại các tỉnh “cuối nguồn” như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, các tỉnh này khuyến cáo nông dân không nên xuống giống sớm vì thiếu nước, đợi mưa đến hãy xuống giống.
Bộ NN&PTNT cũng chính thức khuyến cáo, đối với những nơi chưa đủ điều kiện về nước thì chậm xuống giống, bởi tại ĐBSCL đã có đến 8.133ha thiệt hại do người dân nôn nóng trong khi thiếu nước.
Trên các trà lúa hè thu đã xuống giống, ngoài việc đảm bảo nguồn nước, người nông dân đang lo lắng khi sản xuất loại lúa ngắn ngày, chịu mặn như: OM 6976, OM 5451, OM 4900…, bởi họ chưa có kinh nghiệm chăm sóc cho các loại này.
Hoàng Huy (Báo Lao Động)

028.37273883