Tây Ninh: Định hướng nuôi heo theo quy trình VietGAHP

 

Trung tâm Khuyến nông (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa hoàn chỉnh dự thảo Đề án “Phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng VietGAHP đến năm 2020”.

Hiện nay, năng suất heo nái của Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng thấp, chỉ đạt từ 17-20 heo con/nái/năm, trong khi đó năng suất heo nái của một số nước trong khu vực từ 25 -26 heo con/nái/năm. Tây Ninh hiện chưa có trại heo giống cấp cha mẹ, tỷ lệ lai 2 – 3 – 4 máu ngoại lai thấp đã ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất thịt heo.

Trong một trang trại chăn nuôi heo.

Tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi heo diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi heo và môi trường sống của con người. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong các khu dân cư đã gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAHP là giải pháp kiểm soát tốt hơn về dịch, bệnh và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa có trại chăn nuôi heo nào đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Do đó, thực hành chăn nuôi tốt là một trong những giải pháp căn cơ để xử lý các vấn đề nêu trên, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.

Cho đến nay, những hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chưa hình thành mối liên kết trong sản xuất để phục vụ cho phát triển chăn nuôi. Trong đó, trước hết là chưa có liên kết để sản xuất và tiêu thụ heo giống; kế đến là chưa có liên kết để tiêu thụ sản phẩm thịt heo. Tập quán sử dụng thịt tươi mua từ các chợ truyền thống của người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian qua đã hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước tồn tại. Tuy nhiên, việc sử dụng chất tạo nạc, bơm nước vào heo trước khi mổ… liên tục được phát hiện trong nước đã làm suy giảm lòng tin người tiêu thụ.

Hiện trên địa bàn tỉnh cũng không có doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, chỉ có 1 doanh nghiệp trong nước kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và 2 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sản xuất thức ăn cho đàn gia cầm của bản thân doanh nghiệp. Hầu hết các trang trại chăn nuôi tư nhân (không gia công) đã tự chế biến thức ăn cho các loại heo, nên không ổn định chất lượng dinh dưỡng. Còn các trại chăn nuôi gia công thì liên kết chặt chẽ với các công ty về giống và thức ăn. Tuy nhiên, giữa trại và hộ chăn nuôi chưa có mối liên kết trong tiêu thụ thức ăn công nghiệp cho heo để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành chăn nuôi, góp phần xây dựng chăn nuôi bền vững.

An toàn vệ sinh thực phẩm cũng là thách thức lớn của nông sản Việt Nam, trong đó có Tây Ninh. Người tiêu dùng có xu hướng e ngại sử dụng sản phẩm chăn nuôi trong nước, trong đó có thịt heo. Do vậy, để ngành chăn nuôi tồn tại và đứng vững trên thị trường trong xu thế hội nhập, cần tập trung ưu tiên cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ngoài những khó khăn và thách thức kể trên, ngành chăn nuôi heo của tỉnh Tây Ninh cũng có những thuận lợi như: gần TP Hồ Chí Minh – một thị trường có sức tiêu thụ lớn; có quỹ đất và không gian khá rộng cho phép hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn; cự ly vận chuyển vật tư – sản phẩm chăn nuôi ngắn, là cơ hội tốt để mời gọi đầu tư phát triển ngành chăn nuôi sản xuất hàng hoá lớn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành và phát triển các vùng trang trại chăn nuôi tập trung.

Một trong những mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra là phấn đấu đến năm 2020 tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 25% trở lên trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi heo theo hướng nâng cao hiệu quả và VietGAHP là chủ trương cần thiết để hoàn thành chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, Chính phủ có chủ trương và chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại tập trung gắn với xây dựng vùng nuôi gia súc- gia cầm an toàn sinh học, đây được xem là cơ hội cho Tây Ninh phát triển chăn nuôi hàng hoá lớn một cách bền vững.

Mục tiêu của đề án là phát triển chăn nuôi heo bền vững trên địa bàn Tây Ninh theo hướng nâng cao thu nhập, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp; giảm giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thịt heo trên thị trường nội địa, hình thành mối liên kết trong sản xuất, phối hợp sử dụng nguồn lực xã hội phục vụ phát triển chăn nuôi heo. Đến năm 2020, năng suất heo nái tại các hộ, trại tham gia đề án đạt bình quân 20-22 heo con/nái/năm; tỷ lệ heo đạt tiêu chuẩn VietGAHP 25% so với tổng đàn. Đề án cũng hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ và khuyến khích áp dụng VietGAHP trong vùng quy hoạch, trên địa bàn toàn tỉnh; các trang trại, nông hộ nằm trong vùng quy hoạch được hỗ trợ cải tạo môi trường, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về xử lý môi trường chăn nuôi; đồng thời được các cơ quan chức kiểm tra giám sát sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh cho vật nuôi…

Đề án “Phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng VietGAHP đến năm 2020” được thực hiện trong 5 năm – từ năm 2016 đến hết năm 2020.

 Đ.V.T

(Theo Báo Tây Ninh)

028.37273883