Theo Dự thảo mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ lĩnh vực bán buôn gạo, nhập xăng dầu.
Những DN chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường bao gồm bán buôn gạo, đầu mối nhập khẩu xăng dầu thì nhà nước sẽ nắm 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo quyết định về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp (DN) do Nhà nước đầu tư vốn thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các công ty nông, lâm nghiệp; Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ những DN thuộc 12 ngành nghề như: Đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng, an ninh; Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và cung ứng dịch vụ nổ mìn; Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không; Kinh doanh xổ số; In, đúc tiền, sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng…
Bên cạnh đó, có 5 lĩnh vực mà những DN khi thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên như: Quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay, dịch vụ khai thác khu bay; Quản lý, khai thác các cảng biển đặc biệt quan trọng, quy mô lớn; Dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không; Khai thác khoáng sản quy mô lớn; Tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
Ngoài ra, có 9 ngành nghề mà Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ như: khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn; Vận chuyển hàng không; Ngân Hàng; Những DN chiếm thị phần từ 30% trở lên, có vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bình ổn thị trường bao gồm bán buôn gạo, đầu mối nhập khẩu xăng dầu…
Trong đó cần lưu ý, đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí như: Có tỷ trọng doanh thu từ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trên tổng doanh thu của doanh nghiệp 03 năm liên tiếp liền kề trước thời điểm xem xét chuyển đổi dưới 50% hoặc có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cao hơn hoặc bằng lãi suất ngân hàng thương mại nhà nước thì thực hiện rà soát.
Từ đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi sở hữu, thoái vốn và tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp trong trường hợp chuyển đổi sở hữu; thoái vốn cho phù hợp với thực tế của ngành hoặc địa phương…