Giá dầu vượt ngưỡng 40 USD/thùng: Kết thúc “thời kỳ đen tối”?

 Lần đầu tiên kể từ ngày 3-12 năm ngoái, giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường Mỹ đã vượt ngưỡng 40 USD/thùng. Chốt phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4-2016 tăng mạnh – 1,74 USD (4,5%) lên 40,20 USD/thùng. Trong khi đó, trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5-2016 tăng 1,21 USD (3%) lên 41,54 USD/thùng.


Quyết định “đóng băng” sản lượng khai thác đã tác động đến sự hồi phục của giá dầu.

Như vậy, nếu tính từ ngưỡng 26,21 USD/thùng – mức thấp nhất trong 13 năm được thiết lập ngày 11-2 vừa qua – đến nay, giá dầu đã tăng 53%. Thị trường “vàng đen” thế giới khởi sắc sau khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới thông báo sẽ nhóm họp vào tháng 4 tới để thảo luận khả năng giảm sản lượng khai thác dầu mỏ.

Với quyết tâm ổn định thị trường dầu mỏ thế giới, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Al-Sada mới đây đề xuất các nước sản xuất dầu chủ chốt trong và ngoài tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp vào ngày 17-4 tới tại Doha. Cuộc họp này được xem là bước đi tiếp theo sau cuộc thảo luận ngày 16-2 vừa qua tại Doha giữa Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng cấp Saudi Arabia Ali al-Naimi, cùng với sự tham gia của các đồng cấp của Qatar và Venezuela.

Theo đó, Nga và Saudi Arabia đã nhất trì giữ nguyên sản lượng khai thác dầu thô ở mức như tháng 1 vừa qua để thị trường dầu mỏ thể giới không lao dốc thêm nữa. Với tư cách là Chủ tịch OPEC, Bộ trưởng Mohammed Al-Sada nhấn mạnh rằng, 15 nước thành viên OPEC (chiếm khoảng 73% sản lượng dầu toàn cầu) đã ủng hộ đề xuất trên. Vì thế, thông tin này ngay lập tức “lấn át” thông báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thương mại tại nước này hồi tuần trước đã tăng 1,3 triệu thùng lên mức cao kỷ lục 523,2 triệu thùng.

Một số nhà phân tích của Mỹ nhận định rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến đà tăng khá mạnh của giá dầu tuần qua là những tín hiệu được đưa ra sau cuộc họp về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong đó có quyết định lùi lộ trình tăng lãi suất tiếp theo. Động thái này đã khiến đồng USD giảm giá so với các tiền tệ chủ chốt khác, qua đó tác động lên giá dầu, mặt hàng được giao dịch bằng đồng bạc xanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng đóng góp một phần vào sự đi lên của thị trường dầu mỏ với việc đưa ra những biện pháp kích thích kinh tế và các chính sách tiền tệ lỏng, khiến tâm lý thị trường tích cực hơn.

Theo nhận định của Ngân hàng Citigroup (Mỹ), giá dầu tăng mạnh thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến hoạt động đầu cơ trên thị trường chứ chưa hẳn là thay đổi thực sự về cung cầu. Trong thời gian tới, nguồn cung dầu sẽ tăng bởi ngay khi chạm mức 40 USD/thùng, nhiều công ty sản xuất năng lượng trên thế giới sẽ lập tức mở rộng sản xuất khiến sản lượng tăng. Tuy nhiên, khả năng giá dầu sẽ giảm sâu trở lại là điều có thể.

Bởi cùng kỳ năm 2015, giá dầu tăng đến 30% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, rồi sau đó lại giảm xuống mức thấp mới. Cùng với đó, việc Iran quyết định đóng băng sản lượng khai thác và nêu các điều kiện đặc biệt có lợi cho Tehran cũng tạo tác động không nhỏ đến giá dầu thế giới. Các chuyên gia cho rằng, giá dầu thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu của Iran. Hiện quốc gia Hồi giáo này đang dự định giành lại thị phần đã mất bằng cách tăng cả sản lượng khai thác và tăng xuất khẩu dầu lên mức 1 triệu thùng/ngày trong tương lai gần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoài nghi về tham vọng này bởi để khôi phục sản xuất thì Iran cần có nguồn kinh phí đầu tư lớn.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới đây nhận định, giá dầu trên thế giới đã “thoát đáy” và đang “phục hồi”. Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ vừa được công bố, IEA nhận định xu hướng tăng giá dầu không có nghĩa thời kỳ đen tối của dầu mỏ kết thúc, song đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy giá dầu đang đi lên.

Theo IEA, sự kiện các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới nhất trí “đóng băng” sản lượng khai thác để hạn chế nguồn cung trên thị trường là hành động phối hợp đầu tiên với mục tiêu đẩy giá “vàng đen” lên 50 USD/thùng. Thế nhưng, về dài hạn, dầu thô vẫn còn chịu nhiều áp lực và đối mặt với những yếu tố rủi ro khi yếu tố thực sự để có thể khiến dầu khởi sắc là nhu cầu thị trường vẫn chưa lạc quan. Do đó, những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô vẫn chưa thoát khỏi thách thức từ đợt giảm sâu của giá dầu.

028.37273883