Mỹ dấn thân vào cuộc đua xuất khẩu dầu mỏ

 

 

Trong 5 năm qua, các tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ đã dành nhiều tỷ USD để xây dựng cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho hoạt động xuất khẩu dầu thô trong tương lai


(ĐTCK) 3 tháng kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ trong 40 năm qua tại Mỹ chấm dứt, dầu thô Mỹ đã chảy tới hầu như mọi ngóc ngách trên thị trường toàn cầu và đang định hình lại bản đồ năng lượng thế giới.


Doanh số bán dầu thô ra nước ngoài, mới chỉ tính từ ngày 31/12/2015 đang tăng lên nhanh chóng. Các công ty dầu mỏ, bao gồm cả Exxon Mobil Corp, China Petroleum và Chemical Corp đều tham gia vào các hợp đồng mua bán dầu độc lập với các công ty chuyên xuất khẩu dầu thô Mỹ như Vitol Group BV và Trafigura Ltd Pet.

“Sự tăng trưởng sản lượng xuất khẩu dầu thô từ Mỹ hiện đang trở thành nỗi ám ảnh đối với thị trường dầu thế giới. Làn sóng của hoạt động xuất khẩu này tuy không hỗ trợ cho giá dầu giao ngay tại Mỹ, nhưng sẽ có tác động tốt tới các hợp đồng buôn bán trong tương lai”, Amrita Sen, chiến lược gia trưởng về dầu mỏ tại Công ty tư vấn Energy Aspects Ltd (London) cho biết.

Thực tế, các tập đoàn năng lượng lớn như Plains All American Pipeline Lp và Enterprise Product Partners LP trong 5 năm qua đã dành nhiều tỷ USD để xây dựng các đường ống mới, tàu dự trữ dầu và các bến đỗ tại cảng biển, với mục tiêu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.

NuStar Energy Inc cũng đã âm thầm xây dựng một trạm trung chuyển mang tên Corpus Christi, nối liền với hệ thống đường ống vận chuyện nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động xuất khẩu. Danny Oliver, Phó chủ tịch phụ trách marketing và phát triển kinh doanh của NuStar cho biết, Công ty đã có chuyến hàng đầu tiên ngay từ đầu năm 2016 và có thể vận chuyển 400.000 thùng/ngày từ Corpus Christi. Tất nhiên, không dừng lại tại đây, NuStar đang trong quá trình thúc đẩy sản lượng tại Texas tăng 40%, lên mức 575.000 thùng/ngày.

“Chúng tôi có thể xuất khẩu 100% lượng dầu thô được vận chuyển qua hệ thống này”, Oliver chp hay.

Gunvor Group Ltd, nhà môi giới hàng hóa có trụ sở chính đặt tại Geneva (Thụy Sỹ), đã có kế hoạch vận chuyển 600.000 thùng dầu từ Mỹ tới các trạm trung chuyển tại Panama và sau đó là tới châu Âu. Không riêng gì Gunvor, các nhà môi giới khác cũng đang rất tích cực tạo thêm những lịch trình vận chuyển mới trong vài tuần tới, với việc mở thêm các hành trình xuất khẩu từ bờ biển phía Tây nước Mỹ, hướng tới các thị trường như Pháp, Đức, Hà Lan, Israel, Trung Quốc và Panama. Các giao dịch dịch viên trên thị trường cho biết, việc mở rộng những điểm đến khác cũng đang tăng lên rất nhanh, bao gồm khu vực châu Âu và vùng Địa Trung Hải.

Tất nhiên, Mỹ hiện vẫn đóng vai trò khiêm tốn so với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đình đám khác thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Ả Rập Xê út, Iran, Iraq hay các quốc gia khác ngoài OPEC như Mexico và Nga. Tuy nhiên, theo Ian Taylor, Giám đốc cấp cao của Vitol Group BV, công ty đầu tiên xuất khẩu dầu thô từ Mỹ, xuất khẩu dầu mỏ là lĩnh vực kinh doanh vô cùng lợi nhuận.

Products Partners LP, tập đoàn cung cấp dịch vụ cảng xuất dầu mỏ lớn nhất tại Mỹ cho biết, họ kỳ vọng sẽ sắp xếp việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế chất lượng cao khác vào khoảng 165.000 thùng/ngày trong quý I/2016, tăng 28% so với mức trung bình năm 2015.

Một trong những lý do phía sau sự gia tăng mạnh mẽ đối với xuất khẩu dầu thô từ Mỹ đó là, chi phí vận chuyển qua các đường ống dẫn và phí tàu hỏa để di chuyển dầu thô từ các giếng dầu tại Texas, Oklahoma và Bắc Dakota tới các cảng rất rẻ. Mặt khác, giá dầu thô tại Mỹ được giao dịch ở mức thấp hơn so với dầu Brent tiêu chuẩn, cho phép các nhà xuất khẩu vận chuyển dầu tới người mua với mức lợi nhuận tốt.

Việc xuất khẩu dầu mỏ gia tăng giúp giảm bớt áp lực lên các kho dự trữ của Mỹ, sau khi lượng dữ trữ tại các kho của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1930, theo các số liệu của chính phủ nước này. Còn theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), kho dự trữ dầu trung tâm lớn nhất nước Mỹ, đông thời là điểm vận chuyển chính đối với dầu WTI tại Cushing đã được lấp đầy tới 92,5% tổng diện tích chứa.

Lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ tại Mỹ được ban hành vào năm 1974, sau khi các quốc gia Ả Rập, thành viên của OPEC áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ nhằm đáp trả sự hậu thuẫn của Washington đối với Israel trong cuộc chiến Ả Rập – Israel. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã chủ động độc lập về năng lượng bằng cách tạo ra các kho dự trữ dầu khẩn cấp và cấm xuất khẩu hầu hết dầu thô.

Trước khi lệnh cấm xuất khẩu được gỡ bỏ, Mỹ vẫn bán ra nước ngoài 500.000 thùng dầu mỗi ngày từ Alaska và một số khu vực khác dưới sự kiểm soát của chính quyền liên bang.

028.37273883