Động lực cho ngành sợi

Để thích ứng nhanh với tình hình mới, các DN xơ sợi cần có những phương án cân đối nguồn lực sản xuất, cơ cấu lại mặt hàng, thị trường để có giải pháp tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao hiểu biết và hạn chế nguy cơ trong phòng vệ thương mại

Duy trì đà tăng trưởng

Mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các DN ngành xơ sợi trong suốt 2 năm qua, nhưng năm 2021 lại được xem là một năm thắng lợi của ngành khi có sự tăng trưởng đột biến cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Năm 2020 được ghi nhận là năm khó khăn khi xuất khẩu giảm sút, giá sợi xuất khẩu của Việt Nam đi xuống do ảnh hưởng dịch bệnh. Bước sang năm 2021, các DN xơ, sợi dệt đã đón nhận tin vui. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may, trong 3 quý đầu năm 2021 đã chứng kiến mức tăng trưởng của ngành xuất khẩu dệt may và phụ liệu, trong đó các mặt hàng xuất khẩu vải đạt 1,8 tỷ USD tăng 37,4%; xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD tăng 56,2%; xuất khẩu vải không dệt đạt 557 triệu USD tăng 77,3%… Điểm đặc biệt là xuất khẩu vải và xơ sợi đã tăng trưởng ở mức cao lên tới 2 con số so với cùng kỳ trước đại dịch. Xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng mạnh như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh, Đài Loan…

Trên thực tế, các DN sản xuất xơ sợi đã phải đối mặt với những thách thức lớn khi mà dịch bệnh lan rộng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là khu vực phía Nam khiến sản xuất hoàn toàn đình trệ, đóng cửa trong một thời gian. Nhiều DN cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh”. Đại diện Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) cho biết, VNPOLY và các đối tác đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì vận hành dây chuyền sản xuất sợi DTY liên tục, có hiệu quả, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Các sản phẩm sợi tái sinh loại AA trung bình đạt khoảng 90%, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các khách hàng thuộc phân khúc cao trong và ngoài nước.

Ngoài khách hàng truyền thống, sợi của VNPOLY còn được các nhà cung cấp nguyên liệu chính của thương hiệu lớn thế giới tại Việt Nam (Tập đoàn ADIDAS và Tập đoàn TARGET) lựa chọn đặt hàng. Trong 10 tháng đầu năm 2021, VNPOLY đã sản xuất được 8.503 tấn sợi các loại, doanh thu ước đạt 227,06 tỷ đồng bằng 141% kế hoạch và lợi nhuận trước định phí ước đạt 13,37 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VNPOLY, từ năm 2022 VNPOLY sẽ vận hành toàn bộ nhà máy sản xuất xơ sợi polyester tái sinh và nguyên sinh. Theo lộ trình, trong thời gian tới, VNPOLY cùng các đối tác sẽ sớm vận hành sản xuất xơ và các sản phẩm khác đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt, VNPOLY cùng đối tác sẽ vận hành toàn bộ 27 dây chuyền sản xuất sợi DTY từ tháng 8/2021.

Hiệp hội Bông sợi Việt Nam nhận định, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức như sự biến động của giá nguyên phụ liệu, nhu cầu sợi trồi sụt, giá cước vận chuyển tăng cao, nhiều thị trường bị phong tỏa do dịch bệnh nhưng thị trường sợi vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm 2021 đến nay.

Hiện hơn 70% sản lượng của ngành sợi Việt Nam là để xuất khẩu, trong đó Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu sợi lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 55% kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, Việt Nam cũng là nhà cung ứng sợi lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 37% kim ngạch nhập khẩu sợi trong năm 2021 của nước này.

Mở rộng các dự án đầu tư

Trong những năm gần đây, để giải bài toán thiếu hụt nguồn cung của ngành dệt may, đã có không ít dự án đầu tư mở rộng sản xuất xơ sợi, vải được cả DN trong nước lẫn quốc tế công bố. Đơn cử tháng 5/2021, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Far Eastern đón nhận giấy chứng nhận điều chỉnh tăng thêm 610 triệu USD để mở rộng dự án sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Sau 2 lần điều chỉnh tăng vốn, đến nay Far Eastern đã tăng tổng vốn đầu tư cho nhà máy sản xuất của mình tại tỉnh Bình Dương lên đến 1,37 tỷ USD. Đây là một trong những dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp dệt may có quy mô lớn của Tập đoàn Far Eastern đầu tư vào Việt Nam sau khi DN này phát triển ở thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng vừa hoàn thành Dự án Nhà máy Sợi 3 vạn cọc của CTCP Sợi Phú Bài, khởi công vào tháng 10/2019 và đi vào hoạt động trong tháng 6/2021.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2021, từ việc dịch bệnh ảnh hưởng toàn cầu, lượng các đơn hàng dồn về Việt Nam rất lớn và giá cũng tốt hơn năm 2020. Hiện nhiều thị trường sản xuất hàng may mặc đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu hàng xơ sợi để sản xuất đáp ứng nhu cầu đơn hàng những tháng cuối năm. Với nhiều dự án phụ trợ hàng dệt may vừa đi vào hoạt động và việc hưởng lợi từ giá xơ sợi thế giới tăng thì xuất khẩu nhóm hàng vải và xơ sợi dệt của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên trong 2 tháng cuối năm dự báo tình hình sẽ có nhiều khó khăn hơn khi đà tăng đang giảm dần, dẫn đến biên lợi nhuận ngành xơ sợi sẽ giảm so với những tháng trước. Cùng với đó tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Nam đang khiến các đơn hàng dệt may mặc bị ảnh hưởng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để thích ứng nhanh với tình hình mới, các DN xơ sợi cần có những phương án cân đối nguồn lực sản xuất, cơ cấu lại mặt hàng, thị trường để có giải pháp tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh. Dự báo năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương quốc tế cùng với chuỗi giá trị toàn cầu có thể được kết nối trở lại, tạo động lực cho sự phục hồi của ngành dệt may nói chung, ngành xơ sợi nói riêng.

Theo Nguyễn Minh / Thời Báo Ngân Hàng

028.37273883