Các doanh nghiệp đều xác định phải “sống chung với dịch”, không những thế còn phải đối mặt với cơn “bão giá” nguyên liệu đầu vào.
Trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp đều xác định phải “sống chung với dịch”, đề ra các biện pháp kiểm soát, xử lý khi xuất hiện F0.
Không những thế, họ còn phải đối mặt với một nỗi lo nữa, đó là cơn “bão giá” nguyên liệu đầu vào, cước vận tải.
Tìm cách hút lao động, lợi nhuận tạm xếp sau
Vừa ký vào phiếu chi mua lô thuốc phòng và điều trị Covid-19 gửi cho hàng loạt nhân viên với hơn 120 nhà phân phối tại các tỉnh, chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo (Bình Chánh, TP.HCM) cho hay, hệ thống mới trở lại “bình thường” được hơn 10 ngày nay.
“Nói “sống chung với dịch” thì dễ nhưng khi đi vào hoạt động mới thấy không đơn giản, nhất là vấn đề làm sao kiểm soát được F0 để ổn định sản xuất… Mấy tháng nghỉ dịch, người về quê, người chuyển đi nơi khác, tới nay công ty mới khôi phục được khoảng 70% nhân lực. Chúng tôi phải đi về tận địa phương tìm người, đào tạo tại chỗ. Tuỳ từng bộ phận, chúng tôi quyết định tăng lương từ 5-10% so với trước dịch, ngoài ra còn khuyến khích anh em bằng các khoản thưởng vượt năng suất, vượt doanh số…”, ông Vinh cho hay.
Chấp nhận chi phí tăng cao từ khâu vận chuyển, nguyên liệu nhập tới nhân công, phòng dịch… nhưng Tổng giám đốc Mỹ Hảo vẫn cảm thấy “nhẹ nhõm” khi cho rằng guồng kinh doanh sản xuất đã ổn định dần: “Trước đây, thực hiện 3 tại chỗ chỉ với 30-40% nhân sự, thị trường bị đứt quãng… còn giờ đây dù vẫn còn khó khăn nhưng tình hình đã sáng hơn nhiều, cứ cố gắng từng bước vượt qua thôi. Mục tiêu tới cuối năm hoàn thiện bộ máy, ổn định nhân sự nên tạm thời không tính lời hay lỗ”.
Tương tự, với Công ty TNHH May mặc Dony, Giám đốc Phạm Quang Anh cho biết, vừa mở cửa trở lại, đơn hàng đã về dồi dào nên việc tăng công suất là nhiệm vụ ưu tiên số 1.
Để giữ chân lao động ở lại làm việc sau khi TP.HCM mở cửa, lãnh đạo Dony ngoài việc thường xuyên tới tận dây chuyền động viên, thăm hỏi thì còn sẵn sàng “bật mí” thông tin về các đơn hàng đã ký kết, mang về việc làm cho công nhân, lao động.
“Thực tế, công nhân lo lắng nhất là bị đứt gãy đơn hàng, không có việc làm. Do đó, chúng tôi thường xuyên cập nhật các đơn hàng ký kết được lên nhóm chung của công ty để người lao động yên tâm, không sợ thiếu việc. Thậm chí, cả sức khỏe tài chính cũng được cập nhật thường xuyên, cho thấy doanh nghiệp vẫn còn khả năng hoạt động tốt”, ông Quang Anh nói.
Theo ông Quang Anh, điều đáng mừng là ngay khi hoạt động trở lại, Dony lập tức ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông, Mỹ và Nhật Bản, với tổng giá trị khoảng 2 triệu USD.
Với quy mô gần 100 lao động, Dony phải làm liên tục, thậm chí phải tính đến cả phương án tăng ca từ nay cho đến tháng 4 năm sau mới hết đơn hàng đã ký.
Còn tại Nhà máy Phân bón Bình Điền – Tây Ninh (thuộc KCN Thành Thành Công, Tây Ninh), Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn cho biết, dù gần 100% lao động đã quay lại làm việc nhưng vẫn phải chạy đua với tiến độ, hàng làm ra vẫn không kịp “trả nợ” các đối tác.
“Chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động trở lại, đơn hàng đã tăng hơn so cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đã bỏ qua nhiều cơ hội bán hàng, chấp nhận mất doanh số nên 2 tháng cuối năm phải tăng tốc mạnh hơn nữa”, ông Tuấn nói.
Chưa qua “bão Covid-19” lại gặp “bão giá”
Khôi phục được gần 100% công suất với khoảng 600 công nhân, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng đang phải ra sức nỗ lực kịp xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho hay, những lô hàng đầu tiên đã được vận chuyển bằng máy bay, lên kệ ở khắp châu Âu, kịp bán vào dịp Noel và năm mới. Ngoài ra, công ty đã nhận đơn hàng sản xuất đến hết tháng 6/2022.
“Chúng tôi đã tăng công suất hoạt động lên 80 – 90%, song khó khăn lớn nhất lúc này là tính toán làm sao để sản xuất mà không lỗ vốn. Lý do là trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 lần thứ 4, giá nguyên liệu bông, sợi đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, doanh nghiệp lại tiếp tục nhận được bảng báo giá mới tăng thêm khoảng 5-10% so với mức giá cũ”, ông Việt lo lắng.
Tương tự, ông Phạm Quang Anh cũng cho biết, giá nguyên vật liệu tăng mạnh nên Dony phải cân não trong việc điều chỉnh báo giá với khách hàng.
“Trước đây, việc thương thảo hợp đồng với đối tác diễn ra nhanh chóng, nhưng hiện nay do giá nguyên vật liệu tăng nên Dony buộc phải điều chỉnh mức giá cho phù hợp. Vì vậy, các đối tác thường sẽ đi dò giá ở nhiều thị trường rồi mới quay lại ký hợp đồng”, ông Quang Anh chia sẻ thêm.
Theo lý giải của các chủ doanh nghiệp, giá nguyên liệu đầu vào tăng do vận chuyển từ các nước, đặc biệt tại Trung Quốc về Việt Nam gặp nhiều trở ngại, gây ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.
“Hiện, giá nguyên liệu đầu vào tăng quá cao khiến ngành sản xuất gặp không ít khó khăn. Nếu không cẩn trọng chất lượng đầu vào lúc này, sơ suất sản phẩm làm ra không đạt chất lượng như trước sẽ mất khách hàng. Làm ăn ngày càng khó khăn, doanh nghiệp một mặt phải duy trì được sản xuất không có ca F0, một mặt phải đảm bảo chất lượng để nhanh chóng phục hồi”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà máy Phân bón Bình Điền – Tây Ninh bộc bạch.
Linh hoạt bù đắp lao động khi xuất hiện F0
Theo thống kê, hiện có khoảng 96% số doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM hiện đã hoạt động trở lại theo phương thức “sản xuất an toàn”.
Trong khi đó, có 80% người lao động trong tổng số khoảng 320.000 lao động đã quay trở lại nhà máy.
Hiện, một số nhà máy tại TP.HCM vẫn xuất hiện ca F0. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất. Cụ thể, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Dony cho hay, trước tình hình dịch bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào, doanh nghiệp phải linh hoạt giải quyết tình huống và có những giải pháp để bù đắp lượng công nhân thiếu hụt trong trường hợp có diễn biến phức tạp.
“Với Dony, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi chuyển từ quản trị theo kế hoạch sang quản trị trạng thái với ưu tiên cao nhất là tuân thủ chỉ đạo của chính quyền”, ông Quang Anh nói.
Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, thông thường cứ một ca F0 thì có 5-10 trường hợp F1. Trước đây, các F1 phải cách ly đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm đủ số lao động tham gia sản xuất.
Hiện nay, việc cho phép F1 đã tiêm đủ liều vaccine được làm việc bình thường giúp doanh nghiệp không bị thiếu hụt lao động dù nhà máy xuất hiện ca F0.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cũng cho rằng, một trong những mối bận tâm lớn của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề kiểm soát, xử lý khi xuất hiện F0 trong công ty, đặc biệt là tại khu vực sản xuất.
“Các doanh nghiệp rất mong từng khu chế xuất, khu công nghiệp có khu thu dung để bất kỳ doanh nghiệp, phân xưởng nào có F0 sẽ có lực lượng cơ động đến ngay lập tức, giúp họ bóc tách F0 để doanh nghiệp duy trì sản xuất”, ông Bé nói.
Theo Hoàng Ngân – Bá Lâm (Báo Giao Thông)