Dệt may giảm phụ thuộc vào Trung Quốc: Bài toán chi phí

Theo chuyên gia, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn bán được hàng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc thì phải chấp nhận chi phí cao hơn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2021, Việt Nam chi 1,97 tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày (bao gồm bông các loại; vải các loại; xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may da giày), tăng 3,4% so với tháng trước.

Tính chung trong 10 tháng, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 21,58 tỷ USD, tăng 24%, tương ứng tăng 4,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày nhập khẩu về Việt nam trong 10 tháng năm 2021 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 52%, với 11,12 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là: Hàn Quốc với 2,04 tỷ USD, tăng 11%; Đài Loan (Trung Quốc) với 2,03 tỷ USD, tăng 23%; Hoa Kỳ với 1,49 tỷ USD, giảm 4,4%.

Trước đó, số liệu của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công thương) cho hay, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 35,29 tỷ USD, nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt và may mặc của Việt Nam cũng lên tới con số 21,38 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, dù là một trong những ngành luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, song dệt may vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Bởi không chủ động được nguồn nguyên liệu nên dệt may dễ rơi vào tình thế khó khăn khi xảy ra rủi ro như dịch bệnh, đồng thời ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh.

Dẫu biết vậy, song nhiều năm qua, dệt may Việt Nam phải chấp nhận thực tế phụ thuộc nêu trên do công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém, như chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) nhận xét, “bao nhiêu năm qua ngành nguyên phụ liệu may của Việt Nam không phát triển được”.

Ông chỉ ra thế khó của ngành dệt may Việt Nam, đó là một mặt phải đảm bảo các quy tắc xuất xứ mà Việt Nam đã ký kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), mặt khác những nguyên phụ liệu dệt may dù giá trị không nhiều nhưng vô cùng phong phú, Việt Nam không thể tự sản xuất tất cả, giá thành lại rất cao.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương, trong nhiều lần trao đổi với Đất Việt, ghi nhận công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong những năm qua đã có những biến chuyển đáng mừng. Nếu trước đây, ngành dệt may Việt Nam phải nhập tới hơn 80% nguyên, phụ liệu thì nay đã tự túc được 30-40%.

Tại sao ngành dệt may có tầm quan trọng đặc biệt?

Để làm được điều này, Việt Nam phải căn cứ vào các thỏa thuận FTA để đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ.

Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tính xuất xứ hàng hóa từ sợi, Việt Nam đã đầu tư vào sợi để có lượng sợi cung cấp cho ngành dệt may. Hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có quy tắc xuất xứ tính từ vải, Việt Nam đã đầu tư vào vải và đến nay không những có thể cung cấp được đủ lượng vải theo nhu cầu mà còn có thể xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, đó mới chỉ là về mặt lượng, còn về cơ cấu Việt Nam chưa đáp ứng được. Đối với các loại vải cấp cao, loại vải đặc thù phục vụ cho các đơn hàng giá trị cao, Việt Nam chưa có được loại vải theo yêu cầu nên đến nay vẫn phải nhập.

Hiện Việt Nam đang tiếp tục đầu tư vào công nghiệp sợi hoàn tất, nhuộm. Nhưng khó khăn là sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương để triển khai công nghiệp sợi ở một số địa phương chưa đồng bộ. Do vấp phải yêu cầu đảm bảo môi trường nên nhiều địa phương hiện đang từ chối, không muốn nhận công nghiệp sợi hoàn tất.

Riêng nhánh phụ trợ cho ngành may, có hàng nghìn sản phẩm khác nhau, tùy theo đơn hàng khác nhau mà có những yêu cầu khác nhau. Khi doanh nghiệp Việt Nam triển khai khâu này thì vấp phải vấn đề, đó là quy mô sản xuất không đủ lớn để hạ giá thành.

“Các loại cúc, khóa đặc trưng, đặc thù, nếu doanh nghiệp Việt đầu tư thì vẫn có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất, chất lượng sản phẩm nhưng lại không mang lại hiệu quả kinh tế vì quy mô không đủ lớn. Do đó, các sản phẩm này vẫn phải nhập khẩu”, PGS.TS Phạm Tất Thắng dẫn ví dụ.

Từ đó, ông cho rằng, bên cạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may phải điều chỉnh lại quan hệ nhập khẩu nguyên liệu cho ngành dệt may từ các nước có cùng ký các FTA với Việt Nam để áp dụng quy chế cộng dồn, đem lại lợi ích cho đất nước.

“Nếu không tự sản xuất ra được thì Việt Nam có quyền nhập khẩu từ các quốc gia cùng ký FTA với mình để tính quy tắc xuất xứ theo yêu cầu của FTA đặt ra. Việc này giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bởi trước đây, doanh nghiệp Việt vẫn nhập nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc là chủ yếu”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn lưu ý, trong kinh doanh, vấn đề đặt lên hàng đầu bao giờ cũng là lợi nhuận. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đương nhiên phải tính toán: nếu tiếp tục nhập khẩu từ Trung Quốc thì không được phép bán, trong khi đó nếu nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc thì giá chắc chắn sẽ cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt muốn bán được hàng, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu Trung Quốc thì phải chấp nhận chi phí tốn kém.

“Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam muốn hưởng lợi nhiều hơn nữa thì lại phải tính sản xuất ở trong nước có thấp hơn nguyên phụ liệu của các nước trong khối không”, ông nói và nhấn mạnh, đây vẫn là bài toán chi phí muôn thuở mà doanh nghiệp phải giải.

Vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu dệt may trong nước, đẩy mạnh chuỗi liên kết xuất khẩu bằng quy trình khép kín sản xuất sợi, dệt, công nghệ nhuộm và may thành phẩm đồng thời tự thiết kế, sản xuất và xuất khẩu đã được đề cập từ nhiều năm nay.

Theo ông Bùi Ngọc Sơn, muốn làm được điều này, cần phải để doanh nghiệp tư nhân tham gia với vai trò chủ đạo, đồng thời doanh nghiệp tư nhân phải được bảo vệ, hỗ trợ, thay vì để cho “tự bơi”. Phải giảm các chi phí không chính thức, vì khi gánh nặng chi phí quá lớn thì không tội gì doanh nghiệp làm.

“Chúng ta phải bỏ vốn, nắm được công nghệ, sử dụng lao động của mình, làm trên đất của mình mới có lời. Còn một khi công nghệ, vốn liếng, kỹ thuật của doanh nghiệp ngoại, Việt Nam chỉ cho thuê đất, góp nhân công giá rẻ thì phần nhận được không được bao nhiêu”, ông Sơn chỉ rõ.

Quy hoạch Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Dệt may và Da giày từ năm 2021 đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, đang được Bộ Công thương hoàn thiện.

Chia sẻ trên báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, da giày sẽ được giải quyết trong Quy hoạch ngành dệt may.

Theo đó, Quy hoạch định hướng: Thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa.

Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu…

Cụ thể, định hướng xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành dệt may lớn (bao gồm chuỗi sợi – dệt – nhuộm, hoàn tất vải).

Các khu công nghiệp chuyên ngành dệt may, da giày này được định hướng tại một số địa phương phù hợp ở 3 khu vực phía Bắc, Trung, Nam trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và sự thống nhất của địa phương.

Được biết, Quy hoạch này sẽ được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm nay.

Theo Thành Luân (Đất Việt)

028.37273883