Việt Nam đang trở thành một trong những tâm điểm của đợt El Nino, hiện đang diễn ra hạn hán nghiêm trọng không những tại khu vực Tây Nguyên mà còn cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam, nhiều nơi mực nước ngầm thiếu hụt từ 30 – 50%.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến Việt Nam, làm cho nền nhiệt tăng cao, thiếu hụt lượng mưa. Đây được cho là nguyên nhân gây ra hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Các khu vực ảnh hưởng nặng nhất là đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành đợt El Nino có ảnh hưởng dài nhất tại Việt Nam.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh Tây Nguyên cho biết hiện các hộ nông dân đều thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, giếng đào và suối đều đã cạn kiệt do mực nước ngầm xuống thấp. Trong đó, Gia Lai đang ở mức báo động cấp 1. Cây trồng đang “hóa củi” tại nhiều vùng, nguồn nước chỉ đáp ứng khoảng 60% diện tích cà phê. Hàng loạt cây cà phê đã đậu trái trong đợt ra hoa trước Tết hiện đang khô và rụng dần.
Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, xác nhận: “Tình hình hạn hán trên địa bàn đang hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là các huyện phía Bắc, do các hồ đập nhỏ đã cạn kiệt nước”.
Lượng nước trên sông Sêrêpok giảm 49%, các sông khác cũng giảm, nhiều nơi khoan xuống 100m mà vẫn không có nước.
Dự báo tình hình khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng với mức độ gay gắt và công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn nước. Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất đối với Tây Nguyên trong 30 năm qua.
Dự kiến sẽ có khoảng hơn 70.000 héc-ta diện tích cây trồng toàn tỉnh Daklak có nguy cơ bị hạn, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê ở những vùng hiếm nước. Tình hình hạn hán còn nghiêm trọng hơn ở Đăk nông. Toàn Tây Nguyên có trên 100.000 ha cà phê không có nước tưới.
Tình hình hạn hán vẫn kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng cà phê niên vụ 2016/17. Ở Tây Nguyên hạn hán không có nước và không đủ nước tưới cà phê bắt đầu khô héo. Vườn thiếu nước bắt đầu rụng quả. Ở vùng núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên tuyết rơi khiến cà phê chết cháy hàng loạt vì lạnh. Người dân phải đốn cây giữ gốc hy vọng mùa xuân sẽ ra chồi cho năm sau.
Các tỉnh đang khảo sát và đánh giá mức độ thiệt hại đối với ngành nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng.