‘Ngủ quên’ bên cây lúa

 Những ngày qua, nỗi thống khổ đang tiếp tục chồng chất lên đôi vai người nông dân ĐBSCL khi con số thiệt hại về nông nghiệp do hạn mặn gây ra đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đăng đàn phát biểu trên mạng xã hội rằng: “Đây là lỗi của Bộ Nông nghiệp và chánh quyền các tỉnh có bờ biển tiếp giáp, chỉ biết trồng lúa – lúa – lúa bất chấp thiên nhiên không cho phép, họ tốn hàng chục ngàn tỉ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa”.

 
Quả thực, nhìn lại bức tranh nông nghiệp vùng ĐBSCL những năm qua sẽ thấy: Khi hạn hán và xâm nhập mặn còn chưa có ảnh hưởng khốc liệt như hiện nay – thì người nông dân ĐBSCL đã quá khổ sở với điệp khúc “được mùa mất giá”. Ở đó, có nguyên nhân chủ yếu là do lúa gạo thế giới đang dư thừa, nhưng trong nước lại cứ trồng lúa cho bằng được.
Một thời cây lúa ĐBSCL được phong cho những sứ mạng lớn lao như “đảm bảo an ninh lương thực thế giới”, “Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo”… từ đó, ở đâu cũng nghe chuyện hô hào nông dân trồng lúa. Nhưng theo chuyên giá nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện thì “lương thực” đâu chỉ có lúa, mà bao gồm nhiều loại cây và thực phẩm khác, hiểu rộng ra là tất cả những gì có thể ăn được để nuôi sống con người!
Cũng bởi chuyện “an ninh lương thực” mà vùng ĐBSCL một thời rầm rộ trồng lúa vụ 3. Rồi theo đó, hàng loạt tuyến đê bao khép kín được dựng lên với những chuyện tréo ngoe, cười ra nước mắt. Bởi nước lũ, thay vì đổ về ĐBSCL mỗi năm mang theo những nguồn phù sa, thủy sản dồi dào, góp phần vệ sinh, rửa mặn cho đồng ruộng, nhưng giờ lại bị xem là “kẻ thù” phải tống đi cho bằng được. Nói như các chuyên gia đầu ngành thì: “Nước vốn chẳng mất đi đâu, nó chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác và gây ra cảnh “ngập lụt” tại các đô thị hạ nguồn như: Cần Thơ, Vĩnh Long”… Để sau đó, các địa phương này phải cuống cuồng chống ngập!
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, đã qua rồi cái thời kỳ cả nước ai ai cũng lo cho an ninh lương thực, nay ta sản xuất dư thừa để xuất khẩu 7-8 triệu tấn/năm. Nhưng nông dân trồng lúa đã 40 năm mà vẫn là những người nghèo, họ bị hô hào phải trồng lúa thật nhiều. Đã đến lúc cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và giới truyền thông phải chỉ đạo phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn lựa hướng sản xuất và tìm đầu ra cho các hướng đó thế nào để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt – tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. “Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời này nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua… một cách bền vững hài hòa thiên nhiên. Những vùng theo hệ thống lúa – tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa”. Giáo sư phân tích.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng phát biểu thẳng thắn: “Chúng ta đang vướng và bị gò bó quá nhiều vào tư duy an ninh lương thực. Đến năm 2050, có thể Việt Nam sẽ không cần nhiều lúa gạo như bây giờ. Việc gì phải đi trồng lúa để xuất khẩu gạo và nuôi cả thế giới nếu điều đó không mang lại lợi ích cho đất nước này”. “Chúng ta hãy thay đổi tư duy, không buộc nông dân trồng lúa quá nhiều, để họ làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa”. Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ thêm.

028.37273883