Hơn 50% diện tích canh tác ĐBSCL bị ảnh hưởng hạn mặn

 

Nếu tình hình tiếp tục khô hạn đến tháng 6, toàn bộ vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 500.000 ha vụ hè thu không xuống giống được do thiếu nước, chiếm 30% tổng diện tích canh tác, theo tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Hạn, mặn đang gây điêu đứng cho đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh TL

Bên cạnh đó, hiện có 350.000 ha tại 8/13 tỉnh đang phải chờ nước mưa mới được rửa nhiễm mặn để canh tác. Như vậy, hơn 50% diện tích canh tác ở vựa lúa của Việt Nam bị ảnh hưởng do hạn, mặn.
Từ cuối 2015 đến nay, có 178.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn, trong đó 90.000 ha bị mất 70% sản lượng.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, sản lượng lúa năm 2016 ước tính đạt 44,6 triệu tấn thóc, giảm 824.000 tấn so với năm 2015. Bộ này cho rằng, dự kến lượng thóc hàng hóa xuất khẩu đạt 15,7 triệu tấn, tương đương 7,85 triệu tấn gạo.
Theo Bộ Công Thương, tại thị trường châu Á, giá gạo xuất khẩu tiếp tục diễn biến trái chiều, với giá gạo Thái Lan ổn định ở mức cao do đồng bath tăng giá, trong khi gạo Việt Nam giảm nhẹ và giá gạo các nước xuất khẩu khác tăng nhẹ.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 375 đô la Mỹ/tấn, giảm 15 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ tháng trước. Gạo 5% tấm của Thái Lan tăng từ 370 – 380 đô la Mỹ/tấn lên 382-390 đô la/tấn. Gạo 5% tấm của Ấn Độ giá khoảng 380 đô la/tấn, tăng khoảng 5 đô la/tấn so với cùng kỳ tháng trước, gạo 5% tấm của Campuchia giá khoảng 455 đô la/tấn, tăng khoảng 25 đô la/tấn so với cùng kỳ tháng trước, còn gạo 5% tấm của Pakistan giá giá 355 đô la/tấn, tăng 10 đô la/tấn so với cùng kỳ tháng trước.
Tư Hoàng (thesaigontimes.vn)

028.37273883