Xuất khẩu hàng dệt may tiếp tục khó khăn trong 4 tháng cuối năm 2020

Theo số liệu thống kê sơ bộ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tháng 8 năm 2020 ước đạt 3,46 tỷ USD, giảm 1,12% so với tháng 7/2020 và giảm 12,55% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam ước đạt 22,78 tỷ USD, giảm 13,25% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 57,5% kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2019.

 

+ Xuất khẩu hàng xơ, sợi dệt 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1,03 triệu tấn, trị giá 2,22 tỷ USD, giảm 6,0% về lượng và giảm 19,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

+ Xuất khẩu hàng may mặc trong tháng 8/2020 ở mức cao hỗ trợ tích cực trong việc làm chậm lại đà giảm xuất khẩu trong cả 8 tháng đầu năm 2020. Theo số liệu thống kê sơ bộ, xuất khẩu hàng may mặc trong tháng 8/2020 đạt 3 tỷ USD, giảm nhẹ 1,36% so với tháng 7/2020 và giảm 10,89% so với tháng 8/2019. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 19,24 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 58,62% kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức thực hiện 66,29% của 8 tháng năm 2019.

 

+ Xuất khẩu vải kỹ thuật của Việt Nam đạt 260 triệu USD, giảm 36,78% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 44,12% kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thực hiện của 8 tháng năm 2019.

+ Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,05 tỷ USD, giảm 20,68% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 52% kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ thực hiện 65,97% của 8 tháng năm 2019.

 

Đại dịch Covid -19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến cả hai phía cung và cầu hàng dệt may toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động dự trữ, giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình và hành động dè dặt trong đầu tư, chi tiêu của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Covid-19 còn tác động đến nguồn cung khi gây nên sự đứt gẫy, gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc nhiều nhà máy phải tạm thời đóng cửa, hạn chế mở các cửa hàng ở một số quốc gia, gây nên tâm lý dự trữ của người tiêu dùng. Do đó, trong 4 tháng cuối năm 2020 các doanh nghiệp ngành dệt may mới thực sự bước vào giai đoạn khó khăn khi các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may như áo Jacket, veston, sơ mi cao cấp gần như chưa có đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng phục vụ mùa mua sắm, lễ hội cuối năm do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối diện với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 vừa mới quay trở lại từ cuối tháng 7 và tiếp tục có diễn biến phức tạp ở một số địa phương như Hải Dương, Quảng Ngãi dù số ca bệnh mới đang có dấu hiệu giảm.

Dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 4 tháng cuối năm 2020 giảm từ 14- 18% so với cùng kỳ năm 2019, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 34,14 tỷ USD, giảm 16% so với 2019. Như vậy, trung bình trong 4 tháng cuối năm 2020, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,84 tỷ USD/tháng.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang đón nhận những cơ hội mới từ Hiệp định EVFTA khi 100% các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 8 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Nguồn: Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại – Bộ Công Thương (VITIC)

028.37273883