Ngày 28/10/2020, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPBF), thay mặt Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Công Thương và Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ (USGC) trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học.
Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tổ chức nhân kỉ niệm 25 năm tăng cường hợp tác quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Tại Diễn đàn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Ryan LeGrand, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ và ông Brian D. Healy, Giám đốc Phát triển Thị trường Ethanol Toàn cầu, Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) và Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ (USGC) trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học.
Biên bản ghi nhớ vừa được ký kết là cơ sở quan trọng để Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ hợp tác và hỗ trợ Bộ Công Thương Việt Nam các nguồn lực kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, phù hợp với các mục tiêu chính sách của Việt Nam về phát triển nhiên liệu sinh học.
Đây cũng được xem là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự nỗ lực, quan tâm của Bộ Công Thương trong việc tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác uy tín nước ngoài nhằm phát triển lĩnh vực nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.
Thông qua việc ký kết MOU này, Bộ Công Thương Việt Nam và Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ cam kết chia sẻ những kinh nghiệm, biện pháp, công cụ liên quan đến chính sách, pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ trong việc phát triển, sử dụng và sản xuất nhiên liệu sinh học.
Đáng chú ý, qua MOU lần này, Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ cam kết sẽ hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật về công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất ethanol và hỗ trợ các nhà máy sản xuất ethanol Việt Nam tái khởi động việc sản xuất; đồng thời thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo, truyền thông, hội nghị, hội thảo; cung cấp chuyên gia tư vấn Hoa Kỳ, Việt Nam và đội ngũ nhân viên của Hội đồng Hạt cốc Hoa Kỳ để hỗ trợ cho Bộ Công Thương Việt Nam trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình, hoạt động hợp tác…
Thông qua việc ký kết MOU này, hai Bên cam kết chia sẻ những kinh nghiệm, biện pháp, công cụ liên quan đến chính sách, pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ trong việc phát triển, sử dụng và sản xuất nhiên liệu sinh học
Hai bên kỳ vọng, việc ký kết MOU này sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất và khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, đem lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, nâng cao hơn nữa giá trị trao đổi thương mại song phương về nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học và mặt hàng nhiên liệu sinh học; đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo kết luận số 255/TB-VPCP, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai thực hiện lộ trình, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Theo báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong năm 2019, tiêu thụ nội địa xăng E5 RON92 đạt khoảng 3,3 triệu m3, chiếm khoảng 38,6% tổng tiêu thụ xăng các loại (năm 2018 xăng E5 RON92 tiêu thụ chiếm khoảng 43% tổng lượng xăng các loại). Trong 8 tháng đầu năm 2020, tiêu thụ nội địa xăng E5 RON92 đạt hơn 1,6 triệu m3, chiếm hơn 32% tổng tiêu thụ xăng các loại.
Hiện nay, việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn xăng sinh học E5 RON 92 chủ yếu từ 02 Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm tại Đồng Nai và Quảng Nam.
Nhìn chung, ở thời điểm hiện tại, nguồn cung ethanol nhiên liệu E100 trong nước sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh nguồn cung trong nước, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng đã nhập khẩu ethanol E100 để chủ động nguồn ethanol E100 phục vụ phối trộn xăng E5 RON92.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông tham luận về tình hình sản xuất, tiêu thụ và định hướng phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam tại Diễn đàn
Vụ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh/thành phố, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch cung ứng, phân phối xăng sinh học E5 RON92 đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phối hợp với Bộ Tài chính, rà soát các văn bản, nghiên cứu xây dựng cơ chế về giá, thuế để khuyến khích sử dụng xăng E5 RON92 so với xăng khoáng RON95; tiếp tục nghiên cứu cơ chế về thuế đối với nguồn ethanol nhiên liệu E100 nhập khẩu, nhằm đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đảm bảo tính cạnh tranh, chống độc quyền, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiếp tục nghiên cứu triển khai xăng E10 (10% ethanol), bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc sử dụng của nhân dân.
Cùng với đó, đảm bảo mục tiêu tổng quát của chương trình nhiên liệu sinh học tại Việt Nam là để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường như đã thể hiện tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực về kỹ thuật và công nghệ nhằm phát triển sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.