Tương lai xấu của giá dầu, nỗi lo thất thu chục ngàn tỷ

Nguồn thu từ dầu thô từng chiếm tới 30% tổng thu ngân sách, nhưng con số này nhanh chóng sụt giảm mạnh. Đến năm 2020, thu ngân sách từ dầu thô dự kiến còn bi đát hơn.

Qua thời hưởng lợi nhờ giá cao

Tổng hợp số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách từ dầu thô đóng vai trò quan trọng trong cân đối ngân sách. Có thời kỳ, như những năm 2000-2008, nguồn thu từ dầu thô chiếm tới 30% ngân sách. Tới 2011-2015, tỷ lệ thu ngân sách từ dầu thô bình quân cho giảm mạnh, song vẫn chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách.

Sự thay đổi “chóng mặt” của thu ngân sách từ dầu thô bắt đầu từ 2016 đến nay. Giai đoạn 2016-2018, thu ngân sách từ dầu thô đã giảm mạnh xuống khoảng 4%. Đến năm 2019, con số này giảm còn 3,2%. Năm 2020, dự toán thu từ dầu thô là 35.200 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối ngân sách, giảm 11.600 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2019 trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước ước tính khoảng 9,02 triệu tấn.

Tương lai xấu của giá dầu, nỗi lo thất thu chục ngàn tỷ

Giá dầu xuống thấp khiến thu ngân sách khó đạt kế hoạch

Từ năm 2017-2019, thu ngân sách từ dầu thô đều vượt dự toán do hưởng lợi từ giá dầu tăng cao. Năm 2017, thu dầu thô đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5% (11.283 tỷ đồng) so với dự toán.

Đến năm 2018, dự toán thu 35,9 nghìn tỷ đồng, nhưng con số thu từ dầu thô được quyết toán lên tới 66 nghìn tỷ đồng, tăng tới 84% so với dự toán. Lý do chủ yếu do giá dầu thanh toán bình quân đạt 74,6 USD/thùng, tăng 24,6 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán và sản lượng thanh toán đạt cao hơn dự toán là 0,7 triệu tấn.

Sang năm 2019, dự toán thu là 44,6 nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện đạt 56,25 nghìn tỷ đồng, vượt 11,65 nghìn tỷ đồng so với dự toán cũng nhờ giá dầu thô bình quân tăng cao hơn dự toán và sản lượng đạt cao hơn.

4 tháng đầu năm 2020, dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng thu ngân sách từ dầu thô vẫn đạt con số tích cực. Số liệu được Chính phủ báo cáo mới nhất cho thấy, 4 tháng đầu năm 2020 thu từ dầu thô ước đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 58 USD/thùng, thấp hơn 2 USD/thùng so với giá dự toán.

Nhưng mức giá dầu thô thanh toán kể trên sẽ khó có thể được duy trì trong những tháng tiếp theo của năm 2020. Dịch Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới khiến nhu cầu giảm sốc, còn giá dầu thô lao dốc không phanh.

Tương lai xấu của giá dầu, nỗi lo thất thu chục ngàn tỷ
Thu ngân sách từ dầu thô qua thời hoàng kim.

Lo kịch bản xấu cho giá dầu

Tính toán mới nhất của Chính phủ cũng đưa ra kịch bản ảm đạm cho giá dầu bình quân cả năm 2020. Giá dầu thô bình quân 4 tháng đạt khoảng 58 USD/thùng. Giả định sản lượng dầu cả năm đảm bảo kế hoạch 9,02 triệu tấn và giá dầu 8 tháng cuối năm duy trì trong khoảng 25-28 USD/thùng, khi đó giá dầu bình quân cả năm đạt khoảng 30-35 USD/thùng.

“Trường hợp giá dầu xuống thấp trong thời gian dài, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) buộc phải xem xét dừng hoạt động một số mỏ, nhà máy lọc dầu, tăng nhập khẩu dầu thô dự trữ,… thì cũng là rủi ro làm thu ngân sách nhà nước giảm thêm”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Chia sẻ với báo chí, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) đánh giá: Giá dầu bình quân trên thực tế đã giảm mạnh so với dự toán, do đó phải xem xét cân đối lại ngân sách vì rất nhiều dịch vụ ăn theo khai thác, kinh doanh dầu khí có thể cũng bị ảnh hưởng.

“Với riêng ngành ngành dầu khí, có thể có các hợp đồng khai thác đến 6, tháng 7, nếu biến động giảm giá ngắn hạn thì trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu giá giảm kéo dài sẽ gây ảnh hưởng bởi có những mỏ mà giá thành khai thác khi đó cao hơn cả giá bán, nhưng vẫn phải làm vì đã ký hợp đồng”, ông Võ Thành Hưng chia sẻ.

PVN cho biết, việc giảm giá dầu trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của tập đoàn và các đơn vị thành viên trong cả 5 lĩnh vực kinh doanh chính, ở các mức độ khác nhau.

Đối với lĩnh vực khai thác dầu khí, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng doanh thu sẽ giảm khoảng 2.200 tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng). Nộp ngân sách của PVN dự kiến giảm khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng).

Dù vậy, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước cho rằng: “Việt Nam là quốc gia vừa xuất và nhập khẩu dầu, nhưng lượng xuất thấp hơn lượng nhập. Vì vậy, giá dầu xuống thấp thì nền kinh tế được hưởng lợi, doanh nghiệp sản xuất đỡ khó khăn, giúp nguồn thu nội địa được cải thiện”.

Nguồn: Vietnamnet

028.37273883