Thị trường dệt may trong nước của Trung Quốc gần đây đang vắng lặng, đặc biệt là giá bông, kể từ khi tình hình thiệt hại do thiên tai ở Tân Cương vào tháng 6 năm nay đã giảm, giá bông trong nước đang trong xu thế giảm. Hiện nay, công việc thu hái và giao nhận bông ở Tân Cương sắp kết thúc, thu hoạch bông hạt trên cả nước sắp hoàn thành, xu hướng giá bông mới sẽ như thế nào? Tình hình mua sắm của các DN như thế nào? Khi nào thì thị trường bông sẽ sôi động trở lại?
Thị trường bông “gặp lạnh”, giá bông giao ngay tiếp tục giảm
Cùng với việc bông vụ mới được bán ra với khối lượng lớn, giá bông vẫn không khởi sắc, cho dù là giá thu mua bông hoặc giá giao ngay, đều cho thấy tình hình thị trường vắng lặng. Giá chính thu mua bông hạt nội địa trong ngày 21/11 là 6,1 – 6,6 NDT/kg, giá mua bông thu hoạch thủ công ở Tân Cương là 6,7 – 6,9 NDT/kg, bông thu hoạch bằng máy là 5,8 – 6 NDT/kg.
Việc giá cả thu mua bông hạt tiếp tục giảm đã dẫn đến tình trạng lượng mua vào hàng ngày của các DN bông ngày càng giảm, do các DN bông đang phải đối mặt với thua lỗ, nên họ không tích cực trong việc thu mua bông hạt. Người trồng bông không thể chấp nhận được với giá thu mua bông ngày càng giảm và họ không muốn bán ra. Không chỉ thị trường thu mua bông hạt tiếp tục vắng lặng, nhưng giá cả thị trường bông giao ngay cũng cho thấy một trạng thái suy giảm. Trong tuần từ 19 – 23/11, giá bán chính của bông cấp 3128 là 14.800 – 15.000 NDT/tấn, báo giá bông cấp 4128 là 14.500 – 14.700 NDT/tấn, giảm 200 – 300 NDT/tấn so với tuần trước đó; giá bông vụ mới “double 29” ở phía Bắc Tân Cương là 15.900 – 16.000 NDT/tấn, giá bông vụ mới “double 28” là 15.300 – 15.400 NDT/tấn, giá chào bán ở các nơi đều giảm 300 – 400 NDT/tấn so với tuần trước đó.
Như mọi người đều biết, nguồn cung bông của Trung Quốc trong 3 năm qua luôn ở trong tình trạng cung thấp hơn cầu. Năm nay, lượng bông dự trữ trong nước đã giảm mạnh với việc bông dự trữ liên tục được bán ra. Không chỉ trong nước Trung Quốc, mà còn cho thấy một xu hướng về khoảng thiếu hụt giữa cung cầu bông trên toàn cầu tiếp tục tăng, từ dữ liệu phát hành trong tháng 11 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, dự báo sản lượng bông thế giới trong năm 2018 đạt 26,488 triệu tấn, giảm 68.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái; lượng nhu cầu là 27,816 triệu tấn, giảm 40.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, khoảng thiếu hụt giữa cung cầu là 1,328 triệu tấn, tăng 28.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái; tình trạng bông cung không đủ cầu trên thế giới đã liên tiếp trong ba năm, có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm thứ tư. Theo những dự báo có liên quan cho thấy, sản lượng bông của Trung Quốc trong niên vụ 2018/19 là 5,987 triệu tấn, dự báo nhu cầu ban đầu là 9,253 triệu tấn, khoảng thiếu hụt là hơn 3 triệu tấn, phần thiếu hụt nhỏ còn lại sau khi tiếp tục đấu giá bông dự trữ Nhà nước sẽ được bổ sung bằng bông nhập khẩu. Có thể thấy được là, các yếu tố như cung cầu bông giao ngay và tiến độ giải quyết lượng tồn kho không hỗ trợ cho giá bông tiếp tục giảm mạnh. Thị trường bông vắng lặng cũng do một số nguyên nhân khác.
Đơn đặt hàng giảm, nhiệt tình mua sắm của các DN dệt sợi không cao
Các DN dệt may thường nói “tháng 9 vàng và tháng 10 bạc”, nhưng tình hình của các nhà máy dệt sợi trong năm nay là “mùa cao điểm không bận rộn”.
Theo tìm hiểu, mặc dù tháng 10 là mùa cao điểm truyền thống của ngành dệt may, nhưng tình hình sản xuất và bán hàng trên thị trường không tốt bằng tháng 9. Nhiều DN đã phản ánh các đơn đặt hàng cho sợi và vải bông 100% đã bắt đầu giảm đáng kể. Điều này đặc biệt đúng vào tháng 11, khi hầu hết các nhà máy dệt sợi cho biết các đơn đặt hàng của họ không nhiều và hiện đang dựa vào các đơn đặt hàng của khách hàng cũ để duy trì sản xuất. Một số DN nhỏ đã không thể duy trì sản xuất bình thường do lượng đặt hàng nhỏ và tỷ lệ hoạt động đã giảm xuống khoảng 70%. Ngoài ra, do xuất khẩu ở hạ nguồn chưa suôn sẻ, khiến cho nhiều nhà sản xuất vải mộc và may mặc đã bị đóng cửa, hiện tượng hủy hợp đồng và không có khả năng chi trả hàng hóa trên thị trường nổi bật hơn.
Từ tình hình nhận đơn đặt hàng của các DN có thể thấy được, thị trường ngày càng bi quan hơn, “tháng 9 vàng và tháng 10 bạc” là mùa bận rộn truyền thống của ngành dệt may cũng chỉ như ngày thường, không tránh khỏi khiến cho các nhân sĩ trên thị trường lo âu, một số DN cho biết: “Nếu số lượng đơn đặt hàng ở hạ nguồn vẫn còn trong tình trạng ảm đạm, sẽ xem xét tiếp tục hạ tỷ lệ hoạt động sản xuất để cắt giảm chi phí”.
Lượng bông sử dụng trung bình hàng tháng của một DN dệt sợi ở Hà Nam khoảng 2.000 tấn, lượng bông tồn kho của DN này khoảng ba tháng, trong đó lượng bông dự trữ khoảng hai tháng, bông vụ mới chỉ có một tháng. Theo người có trách nhiệm của DN cho biết, lượng tồn kho nguyên liệu giảm có sự liên quan rất lớn đến việc giá bông giảm. Để kiểm soát chi phí sản xuất, các DN cẩn thận trong việc mua sắm nguyên liệu để tồn kho.
Với tình hình giá bông tiếp tục giảm, giá sợi bông cũng giảm đáng kể, tác động nhất định đến các đơn hàng của các DN. Có DN dệt sợi cho biết, mức giá tiêu thụ cao nhất của sợi compact chải kỹ trong tháng 9 đạt 30.000 NDT/tấn và giá bán hiện nay giảm xuống còn 29.300 NDT/ tấn, giảm 700 NDT/tấn. Tình hình tiêu thụ sợi bông trong năm 2016 cung thấp hơn cầu, các DN dệt cần phải xếp hàng mới nhận được hàng, trong năm 2017 mặc dù lượng tồn kho của sợi bông vẫn còn, nhưng từ lượng hàng tồn kho cho thấy một xu hướng giảm, còn lượng tồn kho sợi bông trong năm nay tăng liên tục, việc bán hàng gặp phải khó khăn. Sợi compact chải kỹ 100% bông chi số 40 – 50 chủ yếu bán cho khu vực tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, được sử dụng để sản xuất áo sơ mi và đồ dệt gia dụng cao cấp, lượng tồn kho sợi bông hiện nay tương đối lớn.
Về vấn đề này, nhân sĩ trong ngành cho biết, việc tiêu thụ ở hạ nguồn trong ngắn hạn chưa tốt, các DN dệt sợi bông có hơi bối rối đối với xu thế tương lai, công việc kinh doanh hiện tại của các DN chủ yếu là tiếp tục tiêu hóa lượng tồn kho là chính, lượng tồn kho bông dự trữ của các DN hiện nay khá cao, lượng tồn kho nguyên liệu của hầu hết các DN dệt sợi đến cuối tháng 11 và thậm chí đến cuối năm, nhu cầu về nguyên liệu thô của các DN hiện nay vẫn còn thấp. Do đó, sự nhiệt tình trong việc mua bông vụ mới nói chung là không cao. Bên cạnh đó, theo phản hồi của các DN kho bãi ở Tân Cương, hiện khối lượng lưu trữ kho ở Tân Cương đang tiếp tục tăng, nhưng hiện tượng “chỉ nhập mà không xuất” nổi bật hơn.
Lượng tồn kho bông dự trữ Nhà nước trong năm nay thấp là một yếu tố ảnh hưởng tích cực đến giá bông tăng mà các nhân sĩ trong ngành đã nhận định trước đó, lượng tồn kho loại bông này của các DN hạ nguồn hiện vẫn còn rất nhiều, cộng với việc một số thương nhân vẫn còn bông cũ và bông dự trữ Nhà nước các vụ trước, làm cho mâu thuẫn cung nhiều hơn cầu trong ngắn hạn liên tục leo thang. Một số DN sợi cho biết, nếu phải bổ sung lượng tồn kho vào cuối kỳ, đầu tiên sẽ xem xét đến bông cũ, trong hơn một tháng trước khi kết thúc năm, nhu cầu thị trường sẽ khó có thể cải thiện đáng kể.
Không chỉ vậy, môi trường quốc tế phức tạp cũng ảnh hưởng đến các DN dệt may trong nước. Các nhân sĩ trong ngành cho rằng, do ảnh hưởng của xung đột thương mại TrungMỹ, tương lai không chắc chắn đã khiến các DN dệt may không dám vội vàng nhận đơn đặt hàng nước ngoài mới, hàng tồn kho sản phẩm tăng, áp lực tài chính tăng, các DN phải kinh doanh thận trọng, cố gắng tiêu hóa lượng tồn kho bông thô đầu kỳ, do đó, các DN không tích cực theo đuổi việc mua bông vụ mới. Ngoài ra, việc cấp hạn ngạch bông nhập khẩu tại Trung Quốc cũng là một trong những yếu tố khiến giá bông hiện nay giảm.
Nhu cầu trên thị trường vẫn vắng lặng, thị trường bông cuối cùng cũng sẽ sôi động trở lại
Mặc dù bây giờ thị trường bông của Trung Quốc vẫn vắng vẻ, nhưng xét theo tổng thể, sự sụt giảm sản lượng bông trong niên vụ mới của khu vực Tân Cương và khoảng thiếu hụt giữa cung và cầu trong dài hạn vẫn là một thực tế, các nhân sĩ trong ngành cho rằng, thị trường bông cuối cùng cũng sẽ sôi động trở lại, giá cả sẽ tăng trở lại. Các nhân sĩ trong ngành cho biết, xét từ tình hình tổng thể về cung cầu, theo báo cáo dự báo về cung cầu của USDA, khoản thiếu hụt về cung cầu trong nước vẫn còn tồn tại, nhưng giá bông vẫn chưa thoát khỏi mô hình tăng dần, vẫn còn duy trì đà suy giảm suốt 5 tháng qua, nguyên nhân chính là sự suy yếu của kỳ vọng nhu cầu tác động đến thị trường. Cho dù kinh tế vĩ mô giảm xuống, hoặc tác động của chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, dự báo nhu cầu của các DN dệt sợi bông không cao, họ thận trọng trong mua sắm, ý muốn bổ sung tồn kho không mạnh mẽ, chủ yếu là sử dụng đến đâu mua đến đó.
Hiện nay các DN dệt sợi chưa bắt đầu bổ sung lượng tồn kho, nếu tính theo lượng tồn kho từ 1 đến 3 tháng, chậm nhất là sẽ có động thái bổ sung tồn kho trong tháng 12, nhu cầu của hạ nguồn sau khi lượng tồn kho dần dần được tiêu hóa, để duy trì hoạt động sản xuất, nhu cầu mua sắm của các DN dệt may vẫn còn mạnh mẽ. Giá bông có một cơ sở tăng giá nhất định, khi môi trường lớn được cải thiện, nó có thể vượt qua ngưỡng suy thoái hiện tại.
Làm thế nào để nắm bắt xu hướng giá bông trong tương lai? Các nhân sĩ trong ngành cho rằng, vấn đề then chốt cần quan tâm để nắm bắt được xu thế của giá bông là: xu hướng chính sách thu mua và bán ra của bông dự trữ Nhà nước trong niên vụ 2018/19; hạn ngạch theo thuế nhập khẩu trượt sẽ tiếp tục phát hành thêm hây không; quan hệ thương mại Trung-Mỹ và chính sách thuế quan.
Nguồn: Báo Tin tức Dệt may Trung Quốc