Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành công nghiệp trên cả nước nói chung và ngành dệt may nói riêng điêu đứng vì đứt gãy thị trường, thiếu đơn hàng, nguyên liệu. Tuy vậy, trước nguy lại có cơ, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp dệt may tại Thừa Thiên Huế đang “ăn nên làm ra” nhờ chuyển hướng từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang gia công và sản xuất khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu.
Theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, 8 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, các sản phẩm truyền thống của ngành dệt may giảm mạnh, trong đó trang phục lót giảm 15%, sợi các loại giảm 2%, song chỉ số ngành sản xuất trang phục vẫn tăng trưởng khá, với mức tăng 13% so với cùng kỳ, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.
Tính đến hết tháng 8/2020, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh sản xuất hơn 520 triệu sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Bên cạnh việc duy trì sản xuất, các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ nhau trong việc chia sẻ đơn hàng nhằm thực hiện đúng thời gian giao – nhận hàng theo hợp đồng được ký kết.
Cũng theo Sở Công Thương, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp dệt may chuyển dịch các đơn hàng truyền thống sang may khẩu trang và đồ bảo hộ y tế xuất khẩu. Điển hình như Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, Công ty CP Dệt may Huế, Công ty Scavi Huế… qua đó đã góp phần duy trì sản xuất và giải quyết việc làm cho người lao động.
Ông Lê Hồng Long – Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An (KCN Phú Bài) – cho biết, nhờ có mặt hàng khẩu trang mà công ty bù đắp được sự thiếu hụt của đơn hàng truyền thống, bảo đảm việc làm cho người lao động trong thời gian khó khăn của dịch Covid-19. Tổng số khẩu trang công ty sản xuất từ tháng 4 đến nay là gần 25 triệu chiếc.
Đối với Công ty CP Dệt may Huế (phường Thủy Phương, TX Hương Thủy), sản phẩm chủ lực của công ty là sợi, nhuộm và sản phẩm trang phục may sẵn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn cao nên đơn vị đã chuyển một số dây chuyền sang sản xuất khẩu trang, vừa phục vụ thị trường nội địa, vừa xuất khẩu.
Bà Nguyễn Hồng Liên – Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế – cho biết, sau thời gian tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ thị trường nội địa, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa qua, công ty đã ký kết các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ và đã xuất đi 500 ngàn sản phẩm, đồng thời gia công 9 triệu sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước xuất đi các thị trường Mỹ, châu Âu. “Sau thời gian sôi động, hiện hoạt động xuất khẩu khẩu trang có phần giảm lại và các đối tác yêu cầu sản xuất khẩu trang thời trang, nhiều mẫu mã đẹp. Trong tháng 8/2020, công ty đã xuất đi hơn 300 ngàn sản phẩm, nhưng có đến 9 mẫu sản phẩm. Mặc dù chỉ dành số lượng ít dây chuyền để sản xuất khẩu trang, nhưng khi các sản phẩm truyền thống gặp khó khăn thì may khẩu trang phục vụ thị trường xuất khẩu sẽ mang lại doanh thu ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giữ chân người lao động”, bà Liên cho biết thêm.
Tại Công ty Scavi Huế (KCN huyện Phong Điền) sau thời gian gặp khó khăn xuất hàng đi thị trường Mỹ, châu Âu do ảnh hưởng dịch Covid-19, bắt đầu từ tháng 4/2020 sau khi đàm phán với khách hàng truyền thống, công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn số lượng lớn (trên 250 triệu sản phẩm). Đại diện Công ty Scavi Huế cho biết, so với các đơn hàng may trang phục lót thì năng suất may khẩu trang cao hơn do các công đoạn may đơn giản, nguyên liệu sản xuất dồi dào do nhập vải từ các nhà máy trong nước.
Ông Phan Hùng Sơn – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế – cho biết, hiện nay, ngoài việc thông báo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà máy, cơ sở sản xuất đảm bảo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn theo quy định, Sở phối hợp với Cục Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư và hoạt động sản xuất.
“Thời gian tới, Sở Công Thương tổ chức kết nối các doanh nghiệp dệt may với nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm khẩu trang vải; kết nối các doanh nghiệp dệt may có nhu cầu thuê gia công lại trong hoạt động sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế để đảm bảo tiến độ hợp đồng. Đồng thời, thông báo các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất khẩu trang đăng thông tin trên website của Bộ Công Thương, hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng sản phẩm khẩu trang vải cho các địa phương trong nước nhằm mở rộng thị trường, ổn định sản xuất”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nguồn: Nguyễn Tuấn – Báo Công Thương Điện Tử