Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, kế hoạch 5 năm 2016-2021, được tổ chức ngày 5-1, Thủ tướng ghi nhận những thành công của ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, nhưng cũng khuyến cáo rằng tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại và năm 2015 chỉ đạt 2,41%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, cho thấy sự thiếu ổn định và bền vững.
Do đó, thời gian tới ngành nông nghiệp và các bộ ngành liên quan cần tích cực xem lại các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp để tập trung tháo gỡ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành trước hội nhập quốc tế. “Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan cần phải rà soát các chính sách, thông tư, văn bản hướng dẫn chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp đang bị cản trở, vướng mắc ở khâu nào để kiến nghị sửa đổi kịp thời. Các bộ phải chủ động đề xuất thêm các chính sách để người dân và doanh nghiệp phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Trước các vấn đề nổi cộm của ngành nông nghiệp như chất lượng vật tư nông sản bị thả nổi, vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các đơn vị liên quan trong năm 2016 tập trung xử lý nghiêm các hành vi gian dối trong sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Về lâu dài, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo chuỗi giá trị để liên kết lớn, nâng cao sản lượng và chất lượng hàng nông sản VN.
Trước đó, ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, báo cáo cho biết năm 2015 tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 2,41%. So với năm 2014, sản lượng hầu hết các loại cây trồng tiếp tục tăng như lúa đạt 45,2 triệu tấn (tăng 241.000 tấn so với năm 2014), bắp tăng 78.000 tấn, khoai mì tăng 464.000 tấn, rau đậu thực phẩm tăng 276.600 tấn.
Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả nước và xuất khẩu được mở rộng. Ước năm 2015 kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 30,14 tỉ USD, giảm 0,8% so với năm 2014 nhưng chủ yếu là do giá giảm.
Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, giá nông sản vẫn ở mức thấp trong khi thiên tai, hạn hán diễn biến phức tạp, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt các nghị định về hợp tác xã nông nghiệp, nghị định khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp; đề nghị các bộ ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách thúc đẩy tái cơ cấu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Cà phê chín khô không có người hái
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng cho biết khoảng 15% diện tích cà phê trên địa bàn bị chín đen khô héo do thiếu nhân công thu hái trong kỳ thu hoạch.
Những ngày này, bà con nông dân các huyện Lâm Hà, Di Linh, TP Bảo Lộc tất bật thu hoạch số diện tích còn lại cho kịp mùa vụ. Tuy nhiên, nhiều vườn cà phê của trong tình trạng trái đã chín khô trên cây vì không có người thu hái.
Gia đình anh Phạm Minh (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết mỗi hecta cà phê cần ít nhất năm nhân công thu hái liên tục trong vòng một tháng, những năm trước phải thuê đến sáu nhân công để thu hoạch cà phê mới kịp mùa vụ.
Nhưng năm nay, anh đi tìm khắp nơi vẫn không thuê được người để phụ hái, nên đến nay gia đình anh vẫn còn gần 1ha cà phê chưa thu hoạch kịp, bị khô trái hàng loạt.
Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, lý giải giá cà phê năm nay chỉ bằng 65% mọi năm, chủ vườn trả giá nhân công chỉ bằng 70% các năm trước nên không hấp dẫn lao động mùa vụ.
Theo Sở Lao động – thương binh và xã hội Lâm Đồng, những năm trước có khoảng 17.000 công nhân đến địa phương này để hái cà phê thuê trong vòng ba tháng, nhưng năm nay lượng lao động mùa vụ giảm hơn 30% dẫn đến khan hiếm lao động.
ANH KHOA