Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa I-ran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc cùng với Ðức) có hiệu lực vào giữa tháng 1-2016, quốc gia Hồi giáo đã xúc tiến các bước đẩy mạnh hợp tác với các nước trên thế giới. Một trong những ưu tiên của I-ran là thúc đẩy lĩnh vực “vàng đen”, nhân tố chính có thể đưa quốc gia này nhanh chóng hội nhập trở lại thị trường thế giới.
Là cường quốc dầu mỏ trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), I-ran đang thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào ngành năng lượng.
Tê-hê-ran đã ký thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD với tập đoàn năng lượng Total (Pháp) để phát triển một phần của mỏ khí South Pars. Ðây là hợp đồng năng lượng chủ chốt đầu tiên của I-ran kể từ khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc và cũng đánh dấu sự trở lại I-ran của Tập đoàn Total, bốn năm sau khi tập đoàn này rời đi trong bối cảnh Pháp cùng các đối tác trong Liên hiệp châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo này. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Công ty năng lượng quốc doanh Petropars của I-ran cùng tham gia với Total để phát triển giai đoạn 11 của dự án South Pars, mỏ khí đốt lớn nhất thế giới hiện do I-ran và Ca-ta đồng sở hữu. Với trữ lượng ước tính khoảng 14 nghìn tỷ m3 khí đốt và 18 tỷ thùng khí hóa lỏng, South Pars nằm trong vịnh Ba Tư, trên đường biên giới chung giữa I-ran và Ca-ta. Theo một quan chức ngành dầu khí I-ran, mỏ South Pars có thể mang lại cho nước này khoản doanh thu 56 tỷ USD mỗi năm. Thứ trưởng Dầu mỏ I-ran Da-ma-ni-ni-a mới đây cũng cho biết, nước này sẽ sớm chứng kiến nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với các công ty đến từ Nga và các nước châu Âu.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, I-ran có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai và trữ lượng dầu mỏ qua kiểm chứng lớn thứ tư thế giới, song quốc gia Trung Ðông này cần có nguồn vốn 200 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để khôi phục ngành năng lượng vốn đã lạc hậu và xuống cấp. Công ty Dầu mỏ quốc gia I-ran (NIOC) giữa tháng 10-2016 đã chính thức mở thầu quốc tế 50 mỏ dầu và khí đốt ở nước này. Ðây là đợt mở thầu quốc tế đầu tiên của ngành dầu khí I-ran, kể từ khi nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Theo Bộ Dầu mỏ I-ran, nước này hy vọng thu hút hơn 150 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu vào năm 2020. Quốc gia Hồi giáo này cũng đã cập nhật mô hình hợp đồng mới liên quan các dự án dầu khí, theo đó các nhà đầu tư có thể thu hồi đầy đủ vốn trong vòng 20 năm. Bộ trưởng Dầu mỏ I-ran B.Dan-ga-nê cho biết, sản lượng dầu thô của nước này có thể đạt bốn triệu thùng/ngày vào tháng 3-2017, so với mức 2,7 triệu thùng/ngày hồi tháng 1-2016. Công suất sản xuất của I-ran đã ở mức 3,85 triệu thùng/ngày sau nửa đầu năm 2016 và có thể đạt mốc 4,03 triệu thùng/ngày vào cuối năm truyền thống theo lịch I-ran (kết thúc vào cuối tháng 3-2017). Người đứng đầu Bộ Dầu mỏ I-ran nhấn mạnh rằng nước này đang hướng tới mục tiêu đạt sản lượng 4,6 triệu thùng/ngày trong 5 năm tới.
Mặc dù việc thực thi thỏa thuận hạt nhân bị đe dọa bởi Tổng thống Mỹ đắc cử Ð.Trăm từng đề cập khả năng sẽ rút lại thỏa thuận hạt nhân I-ran, song I-ran vẫn hy vọng một thỏa thuận được Liên hợp quốc bảo trợ sẽ không bị đổ vỡ. EU vẫn khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực khôi phục các mối quan hệ với I-ran theo “Kế hoạch hành động toàn diện chung” (JCPOA). Trong một tuyên bố tại Brúc-xen (Bỉ), Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU nêu rõ, EU tái khẳng định cam kết kiên định của mình đối với thỏa thuận hạt nhân I-ran. EU cam kết ủng hộ thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận này bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế – tài chính liên quan hạt nhân và hợp tác với khu vực tư nhân cũng như các nhà điều hành kinh tế, nhất là các ngân hàng, để thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư. Cũng theo EU, I-ran đang vận hành một mô hình kinh tế bảo hộ, trong đó nhà nước nắm vai trò chi phối mạnh mẽ, trong khi khu vực tư nhân cần được cải cách sâu rộng sau nhiều năm bị cô lập. Các bộ trưởng Ngoại giao EU nhấn mạnh, để I-ran có thể hưởng lợi hoàn toàn từ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, điều quan trọng là Tê-hê-ran cần giải quyết những trở ngại liên quan chính sách kinh tế và tài chính, môi trường kinh doanh và các quy định luật pháp. Cho tới nay, I-ran luôn cho rằng quá trình khôi phục quan hệ kinh doanh với các nước phương Tây, đang diễn ra quá chậm bởi một phần chủ yếu do Mỹ vẫn duy trì nhiều biện pháp trừng phạt, hạn chế Tê-hê-ran tiếp cận hệ thống ngân hàng và tài chính quốc tế.
Dù gặp không ít khó khăn sau thời gian dài bị cấm vận cũng như những trở ngại còn tồn tại bởi các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, song với nhiều tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực dầu khí, I-ran đang có những cơ hội lớn để đưa ngành sản xuất “vàng đen” của nước này trở lại quỹ đạo ổn định và phát triển.
Nguồn tin: Nhandan