Theo số liệu thống kê, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường EU 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1,86 tỷ USD, tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2017, bứt phá mạnh so với mức tăng trưởng 3,42% của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh sang hầu hết các thị trường thành viên tiêu thụ lớn như Đức, Anh, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha… Cụ thể:
+ Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Đức đạt 370 triệu USD, tăng 12,44% so với cùng kỳ năm 2017, bứt phá mạnh từ mức giảm 2,21% của cùng kỳ năm 2017 so với 2016, trở thành thành viên tiêu thụ nhiều nhất hàng may mặc trong khối EU của Việt Nam.
+ Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh đạt 344,8 triệu USD, tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2017, tăng khá so với mức giảm 0,38% của cùng kỳ năm 2017 so với 2016.
+ Kim ngạch xuất khẩu sang Hà Lan tăng 8,65% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 291,5 triệu USD.
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU tăng mạnh nhờ tăng xuất khẩu các mặt hàng áo jacket, quần, áo thun, đồ lót, quần short, quần áo trẻ em… Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng áo sơ mi, chăn ga các loại, caravat, quần Jean, áo gió… giảm. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, quần Jean của Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường này, do hàng may mặc đặc biệt là quần Jean nhập khẩu từ Mỹ vào EU bị áp thuế, sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm.
Với đà bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực dù xuất hiện các yếu tố cản trở đà hồi phục và xu hướng tìm nguồn cung ứng hàng may mặc của các nhà nhập khẩu EU, hiệu ứng từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường EU tiếp tục khởi sắc trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo. Dự báo, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam 6 tháng cuối năm đạt 2,4 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2017.
Cơ sở của dự báo trên là:
+ Ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc “từ sợi trở đi”.
Cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này.
+ Vị trí nhà cung cấp hàng may mặc hàng đầu của Trung Quốc tiếp tục bị lung lay, bởi các nhà nhập khẩu ngày càng muốn đa dạng hóa nguồn cung ứng từ các thị trường ngoài Trung Quốc, đây là cơ hội cho các nhà cung cấp hàng may mặc khác vào thị trường EU trong đó có Việt Nam.
+ Kinh tế khu vực EU tiếp tục phát đi những tín hiệu khả quan nhờ tăng trưởng kinh tế tiếp tục ổn định vào cuối Quý II sau khi tăng mạnh trong Quý I. Sản xuất công nghiệp hồi phục mạnh trong tháng 5 và chỉ số PMI tổng hợp tăng trong tháng 6. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp gần 10 năm trong tháng 5. Trong khi đó, căng thẳng thương mại với Mỹ và các vấn đề nội khối trong thời gian gần đây sẽ là những yếu tố cản trở đà tăng trưởng kinh tế khu vực này. Tuy nhiên, nếu loại trừ các yếu tố này, triển vọng kinh tế khu vực EU nhìn chung là tích cực nhờ nhu cầu thị trường nội địa cũng như xuất khẩu tăng.
+ Nhập khẩu hàng may mặc của EU tăng mạnh là cơ hội cho các nhà cung cấp hàng may mặc tăng xuất khẩu vào thị trường này trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Châu Âu, 5 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu hàng may mặc của EU từ các thị trường ngoài khối tăng 6,68% về lượng và giảm 2,15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, đạt 1,88 triệu tấn sản phẩm trị giá 32,09 tỷ Euro. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 2,2% về lượng và giảm 10,07% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017 đạt 552 nghìn tấn và 4,83 tỷ Euro, chiếm 29,27% tổng khối lượng hàng may mặc nhập khẩu của EU, bị thu hẹp so với mức 31,92% của cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, nhập khẩu hàng may mặc của EU từ Việt Nam, Bangladesh lại tăng mạnh ở mức 2 con số. 5 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu hàng may mặc của EU từ Việt Nam tăng 25,19% về lượng, nhưng lại giảm 0,78% về trị giá đạt 63,2 nghìn tấn và 1,2 tỷ Euro; chiếm 3,35% tổng nhập khẩu hàng may mặc của EU – mở rộng nhiều so với mức 2,85% của cùng kỳ năm 2017.
Với các yếu tố phân tích nêu trên, nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu vào thị trường EU trong những tháng tới. Tuy nhiên, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng không mạnh. Tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1 – 2%, thậm chí là không thay đổi. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường dệt may toàn cầu.
Một số khó khăn nữa mà toàn ngành dệt may đang gặp khó khăn đó là EU vẫn đang áp dụng mức thuế suất 0% cho hàng dệt may nhập từ các nước kém phát triển như Campuchia, Mayanmar… trong khi dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế bình quân 9,6% vào thị trường EU.
Để giúp các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có tiểm năng, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh. Đặc biệt, tận dụng được cơ hội khi FTA Việt nam – EU có hiệu lực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất, cũng như thích ứng với trình độ công nghiệp của toàn cầu.
Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng chuyển sang phương thức gia công hiện đại đáp ứng yêu cầu về chất lượng của đơn hàng xuất khẩu, đồng thời chú trọng khâu thiết kế mẫu mã và hệ thống phân phối nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa.
Nguồn: Thông tin Thương mại