Tăng liên tiếp 3 phiên, giá dầu vượt 48 USD/thùng

 Dù sẽ cần thêm thời gian để cung – cầu dầu trên thị trường thế giới cân bằng nhưng những tín hiệu tích cực về nhu cầu đang là lực đỡ quan trọng cho giá dầu…


Nhu cầu dầu tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nga tăng nhanh còn nhu cầu của Mỹ vào tháng 3 đã lập kỷ lục – Ảnh: Complue.
ĐAN NGUYÊN


Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu trên thị trường Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng dù giới đầu tư và chuyên gia trên thị trường năng lượng bất đồng khá sâu sắc về hướng đi sắp tới của giá dầu, theo tin từ Wall Street Journal.

Hôm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố báo cáo về thị trường năng lượng thế giới, tuy nhiên báo cáo này đã nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều. Theo đó, IEA cho rằng dự trữ dầu toàn cầu sẽ giảm mạnh trong nửa sau của năm 2016.

Tuy nhiên, tính toán của IEA cũng cho thấy dự trữ dầu thế giới vẫn tăng trong nửa đầu năm 2016 khi Iran đẩy mạnh xuất khẩu dầu ra thị trường sau gần 2 năm nguồn cung đã quá dư thừa.

Khi báo cáo mới được công bố, giá dầu tăng bởi nhiều nhà đầu tư cho rằng thông tin do IEA đưa ra giúp thị trường có thêm cơ sở để tin rằng giá dầu có lý do hợp lý để tăng đến 76% trong hơn 2 tháng qua và sự dư thừa nguồn cung thực sự giảm.

Tuy nhiên sau đó, đà tăng của giá dầu chậm lại khi không ít chuyên gia cảnh báo việc giá dầu tiến sát hơn đến mốc 50 USD/thùng sẽ chỉ khiến hàng loạt nhà đầu tư vào thị trường để chốt lời.

Tính đến hết phiên hôm qua, giá dầu đã tăng được 3 phiên liên tiếp. Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2016 tăng 47 cent tức khoảng 1% lên 46,70 USD/thùng. Trên thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn tăng 48 cent tức 1% lên 48,08 USD/thùng.

Dù báo cáo của IEA khiến nhà đầu tư lo lắng bởi thông tin dự trữ dầu tăng trong nửa đầu năm 2016, phần đông các chuyên gia trong đó có chuyên gia phân tích tại quỹ Energy Management Institute, ông Dominick Chirichella, khẳng định thông điệp tích cực vẫn nhiều hơn tiêu cực.

Ông Chirichella khẳng định nhu cầu dầu sẽ tăng đủ mạnh để hấp thụ được nguồn cung dầu thừa thãi. Nhu cầu dầu tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nga tăng nhanh còn nhu cầu của Mỹ vào tháng 3 đã lập kỷ lục.

Số liệu từ chủ tịch quỹ Mount Lucas Management, ông Tim Rudderow, cũng cho thấy nhu cầu dầu trên thế giới tăng mạnh. Ngay cả tại Mỹ, người Mỹ đang quay trở lại sử dụng xe tải và xe đa dụng thể thao nhiều hơn.

Cùng lúc đó, sản xuất năng lượng toàn cầu đang thu hẹp. Sản lượng dầu tại Mỹ giảm và hàng loạt sự cố tại Nigeria, Ghana và Canada đã khiến sản lượng dầu tại nhóm nước này giảm hơn 1,5 triệu thùng/ngày.

Nhóm nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong cùng thời gian trên vẫn tăng cường xuất khẩu dầu ra thị trường, tổng mức xuất khẩu đạt mức 32,76 triệu thùng/ngày, mức cao nhất từ tháng 4/2008. Trong tháng 4/2016, Iran tăng lượng xuất dầu ra thị trường thêm 300 nghìn thùng/ngày lên 3,56 triệu thùng dầu/ngày, mức cao nhất tính từ tháng 11/2011.

“Thị trường vẫn ngập trong dầu khi nhiều nước Trung Đông vẫn mạnh tay tăng sản lượng khiến việc Mỹ và nhiều nước khác giảm sản lượng không giải quyết được triệt để tình trạng dư thừa dầu, sẽ cần thêm thời gian để cung cầu thị trường được cân bằng”, trưởng bộ phận kinh doanh hàng hóa tại quỹ Julius Baer, ông Norbert Ruecker nhận định.

Nguồn tin: vneconomy

028.37273883