Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) khẳng định vẫn đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Cửa hàng xăng dầu số 91 Petrolimex, thị trấn Đông Anh, Hà Nội hồi 15.30 phút chièu 27/5. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS
Với vai trò là hai doanh nghiệp đầu mối hiện chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xăng dầu nội địa, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) khẳng định vẫn đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Trả lời phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam về thông tin nhiều cửa hàng đại lý khan hiếm xăng dầu trước thời điểm chuẩn bị điều chỉnh giá bán xăng dầu vào ngày 28/5, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Dũng cho biết, là doanh nghiệp đầu mối chiếm gần 50% thị phần trong nước, hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex vẫn tổ chức bán hàng bình thường và bảo đảm đủ nguồn cho hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Cũng theo ông Dũng, kể từ thời điểm xóa bỏ giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng rất cao so với thời gian trước đây.
Cụ thể, sản lượng bán của Petrolimex cho các khách hàng thuộc hệ thống phân phối Petrolimex tăng mạnh so với cùng kỳ tháng 5/2019; trong đó sản lượng xăng dầu của Petrolimex bán cho các thương nhân nhượng quyền và đại lý của Petrolimex tăng khoảng 2 lần so với cùng kỳ.
Petrolimex sẽ tiếp tục cung cấp nguồn cho các khách hàng thuộc hệ thống gồm: các thương nhân nhượng quyền và đại lý theo hợp đồng đã ký kết; đồng thời ưu tiên mua hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước, kể cả nhập khẩu bổ sung ngoài kế hoạch nhằm đáp ứng đầy đủ hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng, ông Dũng khẳng định.
Là doanh nghiệp đầu mối lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 22% thị phần xăng dầu, Tổng giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, PVOIL luôn chú trọng chữ tín với khách hàng và đảm bảo đầy đủ nguồn hàng cung cấp cho các cây xăng đại lý theo hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, các cây xăng đại lý hiện nay thường không nhập hàng từ một đầu mối đứng tên thương hiệu mà thường nhập từ nhiều nguồn khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận.
Cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) hồi 15h00 chiều 27/5 với rất đông phương tiện vào mua xăng. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS
Trong trường hợp của PVOIL, khi thị trường xăng dầu không có sự đột biến, các cửa hàng liên kết, nhượng quyền thường chỉ mua cao nhất là 70% xăng dầu của PVOIL, còn lại là mua của các đại lý tư nhân khác.
Tuy nhiên, khi giá xăng dầu có xu hướng tăng cao sau khi các biện pháp giãn cách xã hội do dịch CCOVID-19 được nới lỏng như hiện nay, lượng hàng mà bình thường đại lý nhập trôi nổi giờ không thể mua được vì các đơn vị cung cấp này găm hàng để chờ tăng giá, dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng ở các cây xăng đại lý, ông Dương cho biết.
Theo ông Dương, PVOIL vẫn đang thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp xăng dầu cho một số đại lý, nhưng các đại lý này vẫn không đủ hàng để bán vào thời điểm này.
Lý do là các đại lý không mua được hàng từ bên ngoài và quay sang đề nghị PVOIL phải tăng lượng bán nhiều hơn bình thường để bù đắp lượng thiếu hụt thì PVOIL không thể đáp ứng được nhu cầu tăng đột biến này do việc nhập hàng đều có kế hoạch và theo nhu cầu của các cửa hàng, đại lý đã đăng ký với đầu mối, ông Dương cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào thời điểm chiều 27/5, các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex và PVOIL vẫn mở cửa bán hàng bình thường.
Tại cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên phố Trần Hưng Đạo, lượng khách đến mua xăng dầu đông hơn ngày thường. Chị Thảo, một khách hàng cho biết, mặc dù xe ô tô vẫn còn gần 1/3 bình, nhưng chị vẫn tranh thủ ra đổ xăng vì ngày mai sẽ là ngày điều chỉnh giá xăng dầu.
Cửa hàng xăng dầu PVOIL tại Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/5. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Trong khi đó, theo thông tin trên báo chí, giá xăng được dự đoán sẽ tăng trong kỳ điều chỉnh ngày mai trong bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường Singapore trung bình 15 ngày qua đã tăng hơn 7 USD/thùng so với 15 ngày trước đó. Vì vậy, đổ sớm xăng hôm nay thì sẽ tiết kiệm được tiền, chị Thảo chia sẻ.
Về nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước, Công ty cồ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, trước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng cao, các khách hàng của BSR cũng tăng nhập hàng nên Công ty tăng công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất một cách tối ưu để đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm.
BSR cũng tìm cơ hội mua dầu thô với phụ phí thấp, chủ động triển khai các giải pháp sản xuất và giao hàng để cân đối tồn kho hợp lý nhằm tận dụng cơ hội thị trường.
Theo kế hoạch, quý II/2020, BSR sẽ sản xuất hơn 1,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Tương tự như vậy, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng sản xuất lượng xăng dầu tương đương trong quý II/2020.
Vì vậy, theo tính toán thì tổng sản lượng của hai Nhà máy này trong quý II sẽ cao hơn khoảng 200.000 tấn so với quý I/2020, đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước./.