Việc tăng giảm giá dầu thô có ảnh hưởng gián tiếp tăng giảm của giá sản phẩm bởi chênh lệch giữa giá dầu thô với sản phẩm trong giới hạn nhất định sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các nhà máy lọc dầu.
Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh của Petrolimex. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã giảm xuống dưới 0 USD/thùng và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng.
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Quang Dũng về những tác động của sự sụt giảm đột biến này tới giá xăng dầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm kỷ lục sẽ tác động như thế nào đến giá xăng dầu và hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối, trong đó có Petrolimex thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Dũng: Giá dầu WTI giảm kỷ lục vào ngày thứ 2 do việc bán tháo các hợp đồng tương lai sẽ đến hạn vào ngày thứ 3 (21/4).
Khi hợp đồng đến hạn, người mua sẽ phải nhận 1.000 thùng dầu cho mỗi hợp đồng họ đã ký và giao hàng đến Cushing, Oklahoma, Mỹ. Đây là kho chứa dầu lớn tại Mỹ.
Tuy nhiên, tồn kho tại Cushing đang tăng nhanh hơn dự kiến của các công ty do ngay từ tuần trước thì kho này đã chứa đến 70% công suất và dự kiến trong vòng 2 tuần nữa sẽ không còn sức chứa.
Do không tìm được người mua lại và cũng không tìm được chỗ chứa dầu thô nên những người đã mua hợp đồng tương lai phải bán tháo bằng mọi giá khi hợp đồng đến hạn.
Thực tế là, giá WTI không ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm tại Singapore, vốn được dùng làm thông số để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá trong nước.
Biến động tăng giảm của giá dầu thô (WTI/Brent) và giá sản phẩm thường không tỷ lệ thuận mà phụ thuộc vào cung cầu và thị trường.
Tuy nhiên, việc tăng giảm giá WTI có ảnh hưởng gián tiếp tăng giảm của giá sản phẩm bởi chênh lệch giữa giá dầu thô với sản phẩm trong giới hạn nhất định sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các nhà máy lọc dầu; các nhà máy lọc dầu sẽ điều tiết công suất sẽ tác động đến giá sản phẩm.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, theo quy định của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam luôn phải có một lượng hàng tối thiểu đảm bảo tồn kho, phục vụ nhu cầu thị trường.
Trong xu hướng giá giảm liên tục và sâu như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng do hàng tồn kho đã mua ở mức giá cao trước đó.
Mức giá thấp hay giảm hôm nay có tác động trực tiếp đến các lô hàng có ngày tính giá rơi vào thời điểm hiện nay.
Trước diễn biến giá như vậy, Petrolimex đã có những giải pháp gì để hạn chế tác động tiêu cực và tranh thủ cơ hội thị trường?
Ông Nguyễn Quang Dũng: Trong bối cảnh vừa chịu tác động của giá dầu giảm và nhu cầu xăng dầu bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Petrolimex đang bám sát diễn biến của dịch bệnh và giải pháp của chính quyền địa phương các cấp (thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ) để điều hành chính sách bán hàng phù hợp, cung cấp đầy đủ kịp thời nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân và duy trì mức tồn kho hợp lý, phù hợp với quy định nhằm giảm thiểu rủi ro khi giá dầu giảm sâu.
Petrolimex cũng xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh COVID-19, có phương án đảm bảo nguồn cung đầy đủ, kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế và người dân trong mọi tình huống, nhất là thời điểm sau khi hết dịch để hoạt động kinh trở lại bình thường như giai đoạn trước dịch.
Ngoài ra, Petrolimex đang thực hiện đồng loạt các giải pháp nhằm thu hút thêm lượng khách hàng nhằm gia tăng sản lượng tại hệ thống bán lẻ.
Xin cảm ơn ông!