Dù không tiết lộ kết quả kinh doanh hợp nhất của tập đoàn, song Petro Vietnam cho biết trong tháng 11, có 10 đơn vị thuộc tập đoàn đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận …
Petro Vietnam cho biết, doanh thu của tập đoàn cán đích 508,9 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng năm 2020
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa cho biết, 11 tháng năm 2020, sản lượng khai thác dầu thô, sản xuất đạm, xăng dầu cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Doanh thu lũy kế của Petro Vietnam 11 tháng ước đạt 508,9 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 66 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn đã thực hiện tiết giảm chi phí lên tới 8.745 tỷ đồng.
Đặc biệt, Petro Vietnam cho biết trong tháng 11/2020, tập đoàn có 17 đơn vị thành viên đạt kết quả sản xuất kinh doanh có lãi và tính đến hết tháng 11/2020, đã có 10 đơn vị trong tập đoàn không chỉ về đích sớm mà còn vượt chỉ tiêu lợi nhuận từ 105% đến 935% kế hoạch cả năm.
Dù Petro Vietnam không tiết lộ mức lỗ lãi hợp nhất của tập đoàn song với những chỉ số tài chính trên, có thể thấy mức độ thiệt hại của Petro Vietnam được cho là thấp so với cuộc “khủng hoảng kép” là đại dịch Covid-19 và đà giảm sâu của giá dầu. Bình quân, 11 tháng năm 2020, giá dầu chỉ đạt 43,8 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức 60 USD/thùng mà Petro Vietnam đặt kế hoạch.
Năm 2020 là năm tồi tệ của nhiều đại gia dầu mỏ thế giới. Tính đến hết quý 3/2020, các tập đoàn dầu mỏ lớn như: Shell, BP, Chevron… đều ghi nhận các khoản thua lỗ tới hàng chục tỷ USD. Trong đó, BP (Anh) đã báo cáo khoản lỗ khủng tới 16,8 tỷ USD trong quý 2 và tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 450 triệu USD trong quý 3; Chevron, “đại gia” dầu mỏ của Mỹ báo cáo khoản lỗ 8,3 tỷ USD trong quý 2 và khoản lỗ 207 triệu USD trong quý 3; Shell (Hà Lan) ghi nhận khoản lỗ 18,15 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020.
Cùng chung cảnh ngộ, hàng loạt các công ty dầu khí lớn thế giới đã ghi nhận kết quả kinh doanh âm như: ConocoPhillips lỗ 1,5 tỷ USD, Total lỗ 8,3 tỷ USD và ENI lỗ 7,35 tỷ EUR…
Trong 3 khu vực kinh tế lớn là Mỹ, Eurozone và Trung Quốc, duy nhất chỉ Trung Quốc có tăng trưởng, còn lại Mỹ, Châu Âu đều có dấu hiệu rất tiêu cực.
Năm 2021 được dự báo vẫn là một năm khó khăn đối với thị trường dầu khí thế giới, bất chấp hy vọng về vaccine phòng chống Covid-19 dự báo sớm được đưa vào sử dụng.
Theo Tổng cục Hải quan, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong 11 tháng năm 2020 vẫn là dầu thô. Cụ thể, tháng 11, xuất khẩu dầu thô đạt 311.000 tấn, tăng 15,2% và trị giá là 95 triệu USD tăng 12,9% so với tháng trước.
11 tháng đầu năm 2020, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính đạt 4,48 triệu tấn và trị giá là 1,49 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính trong 11 tháng này tăng 22,7% về lượng và trị giá ước tính giảm 20,1%.