Nguy cơ thắt chặt nguồn cung đẩy giá dầu đi lên trong tuần qua

 

Thị trường dầu mỏ thế giới hầu hết đi lên trong tuần qua, giữa bối cảnh lo ngại về nguy cơ nguồn cung thắt chặt lại dấy lên khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.

Nguy cơ thắt chặt nguồn cung toàn cầu đẩy giá dầu đi lên trong tuần qua. Ảnh: The Business Times

Thị trường dầu mỏ thế giới hầu hết đi lên trong tuần qua, giữa bối cảnh lo ngại về nguy cơ nguồn cung thắt chặt lại dấy lên khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu của Iran và lượng dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh.

Thêm vào đó, tác động của cơn bão Florence đối với thị trường năng lượng, cùng với những rủi ro từ việc Mỹ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc tới nhu cầu dầu mỏ toàn cầu cũng đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Kể từ mùa Xuân năm nay, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt trên, các nhà giao dịch đã tập trung vào ảnh hưởng tiềm tàng đến nguồn cung toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt từ tháng 11 tới sẽ nhắm vào xuất khẩu dầu của Iran – một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 12/9 cảnh báo tác động của những biện pháp trừng phạt này. Ông cho rằng đây là một bất ổn lớn trên thị trường khi những nước mua gần 2 triệu thùng dầu của Iran/ngày sẽ phản ứng như thế nào.

Theo người đứng đầu Bộ Năng lượng Nga, các thị trường dầu toàn cầu “mong manh” do các nguy cơ địa chính trị và gián đoạn nguồn cung. Ông khẳng định Nga có thể tăng sản lượng nếu cần thiết.

Trong khi đó, những rủi ro bắt nguồn từ sự bất ổn tại một số thị trường mới nổi và tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu đang đe dọa triển vọng về nhu cầu dầu mỏ. OPEC trong báo cáo tháng mới đây giảm dự đoán tăng trưởng nhu cầu đối với dầu trong năm 2019 xuống mức 1,41 triệu thùng/ngày.

Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra các chính sách thương mại đối đầu nhau, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Mới đây nhất, Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 12/9 đã gửi lời mời tới các quan chức Trung Quốc về việc khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước, dấy lên hy vọng rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể cùng nhau đẩy lùi cuộc chiến thương mại và giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại thông qua đối thoại.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump ngay lập tức đã “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng này khi đăng trên mạng xã hội Tweeter rằng Mỹ không áp lực trong việc phải đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Đáng chú ý, giá dầu Brent đã vọt lên trên ngưỡng 80 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ cũng leo lên mức cao nhất một tuần trong phiên giao dịch ngày 12/9, trước khi quay đầu giảm sâu trong phiên 13/9.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/9, giá hai loại dầu chủ chốt này lại biến động trái chiều, giữa lúc Mỹ tuyên bố đã gây áp lực lên các quốc gia để tuân thủ theo các lệnh trừng phạt Iran sắp tới.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 10/2018 tăng 40 xu Mỹ ( 0,6%), lên 68,99 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2018 lùi 9 xu Mỹ (tương đương 0,1%) xuống 78,09 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 1,8% và 1,6%.

Ngày 13/9, Manisha Singh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Kinh doanh Mỹ, cho biết nước này đang chuẩn bị có những động thái mạnh mẽ nhất đối với các nước không tuân thủ các lệnh trừng phạt Iran, bao gồm cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran về mức 0.

Trong khi đó, thông tin từ Bloomberg cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn muốn áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc bất chấp những nỗ lực gần đây để tái khởi động đàm phán giữa hai cường quốc kinh tế này, đồng thời là hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, tác động của cơn bão Florence tới hoạt động sản xuất dầu thô tại Mỹ cũng góp phần thu hẹp nguồn cung dầu toàn cầu.

Cơn bão này hiện đã bị hạ xuống cấp 1 khi đổ bộ vào Carolina ngày 14/9, song ngay cả khi đã hạ cấp, bão Florence được dự báo sẽ gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực Bắc Carolina và Nam Carolina. Cơn bão Florence có khả năng gây ra gián đoạn dòng nhiên liệu được vận chuyển qua các đường ống dẫn trong khu vực.

Báo cáo từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes vào ngày 14/9 cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua đã tăng 7 giàn, lên 867 giàn./.

Nguồn: TTXVN

028.37273883