Ngày càng nhiều công ty dầu khí Anh phá sản

 

Các báo cáo tổng kết hoạt động của ngành dầu khí Anh năm 2016 đã cho thấy, trong năm qua có rất nhiều công ty dầu khí Anh phải tuyên bố phá sản. 


Công nhân dầu khí Anh


Vào đầu tháng 2/2017, tổng kết hoạt động dầu khí của Liên hiệp vương quốc Anh, ông J. Willmont – Trưởng bộ phận của Tái cơ cấu và phá sản Công ty Kế toán, kiểm toán, tư vấn vận chuyển và tư vấn kinh tế Moore Stephens, cho biết số lượng các công ty dầu mỏ và khí đốt bị phá sản ở quốc gia này đã tăng mạnh.

Các vấn đề về tài chính nảy sinh do sự sụt giảm của giá dầu dẫn đến thực tế rằng, vào năm 2016 có 28 công ty phải rời bỏ thị trường (so với 18 trong năm 2015 và 6 trong năm 2014). Điều đó có nghĩa là, số lượng các công ty phá sản trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt Anh đã tăng lên 55% trong năm 2016.

Để so sánh, trong năm 2010, trên khắp thế giới chỉ có 4 công ty dầu mỏ và khí đốt bị phá sản.

Giá dầu đã giảm hơn 75% so với đỉnh điểm của mùa hè năm 2014. Hiện tượng sụt giảm này, theo các nhà nghiên cứu thuộc công ty Wood Mackenzie, đã dẫn đến sự đóng băng các khoản đầu tư của các công ty dầu khí thế giới ở mức xấp xỉ 400 tỷ USD.

Trong bối cảnh giá dầu ở mức cao, nhiều công ty dầu khí thường say sưa với thắng lợi, hào phóng đầu tư để phát triển, nhưng khi giá dầu sụt giảm nhanh, như một cú sốc bất ngờ, không ít công ty lâm vào tình trạng vỡ nợ, sụp đổ theo kiểu dây chuyền.

Trong khi giá dầu thấp duy trì lâu dài ở mức hiện tại, nhiều dự án không thể sinh lợi, buộc các công ty dầu khí phải giảm thiểu quy mô các hoạt động kinh doanh.

Trước đây, công ty dịch vụ dầu mỏ Schlumberger lớn nhất thế giới đã báo cáo thua lỗ khoản tiền 1 tỷ USD cho quý 4 năm 2015 và phải giảm 10 nghìn việc làm.

Công ty Shell (Anh-Hà Lan) cũng đã dự kiến ​​trong quý 4 năm 2016 sẽ giảm thu nhập ít nhất là 40% so với cả năm.

Vào giữa tháng Giêng năm 2017, Moody’s cảnh báo về khả năng giảm bậc trong bảng xếp hạng tín dụng đối với khoảng 175 công ty dầu khí, bao gồm Shell, Total và Chesapeake Energy.

Nhưng không phải tất cả mọi chuyện đều đã trở nên tồi tệ. Trong cuộc khủng hoảng, có kẻ thua thì cũng có người thắng, các công ty yếu buộc phải chấp nhận phá sản, trong khi đó các công ty mạnh lại có cơ hội mua rẻ những công ty đang gặp vấn đề tài chính.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, hầu hết các nhà lãnh đạo của các công ty dầu khí lớn hiện đang chăm chăm nhìn vào khối tài sản của các công ty đang ngắc ngoải mà họ có thể mua lại được với giá rẻ.

Nguồn tin: Petrotimes

028.37273883