Truyền thông khu vực ngày 17/9 dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nhận định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào quý II/2021.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak. Ảnh: AFP
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn lời ông Novak cho biết sự phục hồi nhu cầu dầu thô thế giới đã chậm lại và do đó, các nhà sản xuất “vàng đen” trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và rộng hơn là nhóm OPEC và các đối tác (OPEC+) cần từng bước khôi phục sản lượng tương ứng với nhu cầu nhằm tránh tình trạng “quá nóng” trên thị trường năng lượng.
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cũng kêu gọi các thành viên OPEC+ tuân thủ đầy đủ việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm thời gian gần đây.
Phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng OPEC+ (JMMC) được tổ chức trực tuyến, ông Abdulaziz cho rằng những thành viên không tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng đang đe dọa tới uy tín và sự tín nhiệm của liên minh dầu mỏ này.
Tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Abdulaziz khẳng định việc tuân thủ cắt giảm sản lượng không phải là một hành động “từ thiện”, mà hơn hết đó là một phần trong nỗ lực tập thể nhằm tối đa hóa lợi ích cho mỗi thành viên của OPEC+.
Ông cho biết OPEC+ có thể tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào tháng 10 tới nếu thị trường dầu mỏ diễn biến xấu hơn.
Theo một nguồn tin trong OPEC+, liên minh dầu mỏ này dự kiến không thay đổi mục tiêu cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày hiện đang được áp dụng, tương đương 8% nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Tuy nhiên, OPEC+ cảnh báo rằng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 đang gia tăng ở một số nước có thể kìm hãm nhu cầu năng lượng, bất chấp sự sụt giảm từ các kho dự trữ dầu mỏ.
Trong khuôn khổ cuộc họp JMMC, các thành viên như Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng sẽ được yêu cầu cắt giảm thêm sản lượng để bù đắp cho lượng dầu mỏ dư thừa trong giai đoạn từ tháng 5-7/2020, đồng thời kéo dài giai đoạn cắt giảm này từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay.
Mặc dù nhiều nước trên thế giới đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp dụng để kiềm chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song nhu cầu tiêu thụ dầu thô hiện vẫn chưa phục hồi trở lại các mức trước đại dịch./.