Năm 2016, nên trồng thêm bắp…

 

Những ngày qua, trời âm u khiến những người có trách nhiệm trong lĩnh vực thủy lợi ở tỉnh mong có vài trận mưa lớn trước ngày 23/10 (âm lịch), mốc thời gian thường có mưa bão theo hướng chắc mẩm mà dân gian hay nói “ông tha, bà không tha”. Tuy nhiên, trời vẫn chưa mưa, nếu vùng nào có thì cũng chỉ mưa bóng mây. Tại nhiều nơi trong tỉnh, mực nước ngầm tiếp tục bị  xuống thấp hơn năm trước. Mực nước tại các hồ thủy lợi đang trong mùa mưa nhưng chỉ bằng phân nửa so cùng thời điểm năm trước nên sẽ không đủ nước cho sản xuất trong năm 2016. Bởi theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay Bình Thuận có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Elnino nên mùa mưa kết thúc sớm, lượng dòng chảy ở các sông suối ít hơn trung bình nhiều năm, hạn sẽ xảy ra… Điểm lại hậu quả của hạn hán năm 2015: 4.800 ha gồm hoa màu và lúa bị thiệt hại, toàn huyện Tuy Phong không sản xuất vụ hè thu, nhân dân một số xã của huyện Hàm Tân, huyện Tuy Phong phải mua nước sinh hoạt trong nhiều tháng do giếng bị khô hạn trong những tháng mùa khô…để dự cảm năm 2016 tình hình hạn hán ở trạng thái cộng dồn sẽ diễn ra ở mức gay gắt.

Ngay trong tháng 10, thời điểm còn đang là mùa mưa, UBND tỉnh đã có phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 do ảnh hưởng trực tiếp bởi Elnino. Một trong những phương án ứng phó, ngay trước vụ đông xuân 2015 – 2016 này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận tính toán, cân đối nguồn nước hiện có, trong đó ưu tiên nước sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, cây trồng dài ngày, có giá trị kinh tế cao như thanh long, nho… Theo đó, vụ đông xuân tới, toàn tỉnh sản xuất 20.885/33.245 ha kế hoạch, tức có 12.360 ha đất không sản xuất vụ đông xuân vì không đủ nguồn nước tưới. Đối với những vùng thiếu nước, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng như chuyển trồng lúa sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn.

Bớt lúa, thêm bắp

Việc chuyển trồng lúa sang các cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới được khuấy động trên toàn khu vực miền Trung từ 2 – 3 năm nay. Tại một cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Bình Thuận vào năm 2014, nhiều tỉnh từ Thanh Hóa trở vào Bình Thuận không thể đẩy mạnh chuyển đổi lúa sang cây trồng cạn với đủ nguyên nhân. Nhưng nếu phân tích kỹ thì nguyên nhân phổ biến xoay quanh chuyện chuyển sang trồng cây gì, bán cho ai, giá thế nào, tức do thị trường nên nông dân cứ trồng lúa như lâu nay cho tiện hoặc bỏ đất không. Vì thế, cuộc chuyển đổi sản xuất này rất chậm. Tại Bình Thuận, năm 2015 có hạn, chỉ chuyển đổi được 828 ha đất lúa sang trồng các cây trồng cạn. Trong năm diện tích cây lúa thấp so năm trước là điều đương nhiên nhưng cây bắp không vì thế mà tăng diện tích, thực tế chỉ bằng 101% so năm trước, được 19.297 ha. Một con số quá nhỏ so với 197.000 ha – tổng diện tích gieo trồng cây ngắn ngày năm 2015. Điều đó cho thấy, cây bắp chưa có vị thế trong cơ cấu cây trồng ở tỉnh, trong khi nhu cầu thị trường của hạt bắp đang tăng mạnh.

Những tháng qua, thông tin từ báo chí cho thấy các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước nhập bắp ngoại ồ ạt và đến tháng 8/2015, khi Indonesia ban  lệnh cấm nhập bắp thì Việt Nam có khả năng vượt lên thành quốc gia nhập bắp nhiều nhất thế giới. Không bàn đến lý do nhập bắp nhiều vì giá bắp thế giới đang giảm sâu, thực tế Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam dự báo, do nhu cầu ngày càng nhiều về thịt gia súc, gia cầm nên mỗi năm, thị trường cần thêm 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại “hiện tại đang sử dụng 27 triệu tấn thức ăn/năm”, vì thế rất cần các nguyên liệu như bắp, đậu nành. Do đó, câu chuyện thừa lúa, thiếu bắp và giảm bớt lúa để trồng thêm bắp càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Với Bình Thuận hiện đang trong cảnh thiếu nước sản xuất, thì với cơ hội thị trường trên, việc bớt lúa, thêm bắp là một cách sản xuất sử dụng nước tiết kiệm nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều kiện tiên quyết để chuyển đổi thành công là năng suất bắp phải đủ cao, bên cạnh đó cần làm tốt khâu tổ chức sản xuất và hệ thống hậu cần để bắp chất lượng, có sức cạnh tranh, góp phần chiếm thị trường trong nước thay vì bỏ ngỏ thời gian qua.

 Theo Báo Bình Thuận

028.37273883