Kiểm soát, đẩy lùi gian lận xăng dầu

 Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu chưa bao giờ hết “nóng”, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, thực trạng này vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm, có nguy cơ gian lận, thất thoát, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Do đó cần có sự đánh giá cân nhắc nhiều mặt và xem xét kỹ lưỡng để đánh giá trước mắt và lâu dài.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công thương hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động: nhập khẩu xăng dầu và nguyên liệu; xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu; gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu.

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động: nhập khẩu xăng dầu và nguyên liệu; xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan xăng dầu và nguyên liệu; gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu.

Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các yêu cầu về quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu theo quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm và liên đới chịu trách nhiệm về đo lường, chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm định, kiểm tra, kiểm soát các thiết bị đo lường theo quy định hiện hành của pháp luật về đo lường, quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu để điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu chất lượng, phương pháp thử phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong nước, tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp; tiến hành thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài để bảo đảm đáp ứng yêu cầu kịp thời, nhanh chóng, chính xác và thuận lợi cho công tác kiểm tra.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương phân tích kỹ, toàn diện xung quanh đề xuất quy định cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%./.

Nguồn tin: Tài chính

028.37273883