Trong bối cảnh lượng dầu xuất khẩu sụt giảm mạnh sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri mới đây đã kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia thân thiện với Iran mua thêm dầu mỏ của nước này.
Một cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN
Trang tin SHANA của Bộ Dầu mỏ Iran ngày 29/7 cho biết trong cuộc gặp với ông Tống Đào, quan chức ngoại giao Trung Quốc đang ở thăm Iran, Phó Tổng thống Jahangiri thừa nhận”mặc dù các quốc gia thân thiện như Trung Quốc đang đối mặt với một số hạn chế, song chúng tôi vẫn hy vọng họ sẽ tích cực hơn trong việc mua dầu của Iran”.
Trước đó một ngày, dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố cho thấy hồi tháng 6 vừa qua, lượng dầu thô nước này nhập khẩu từ Iran đã giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước, sau khi quy chế miễn trừ các biện pháp trừng phạt của Mỹ chấm dứt từ đầu tháng 5.
Trong diễn biến khác, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố Tehran sẵn sàng đối thoại với Riyadh về các vấn đề còn tồn đọng.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mousavi cho biết nước này hoan nghênh “các tín hiệu tích cực” được giới chức Saudi Arabia phát đi nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về các vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước. Ông nói: “Iran đã liên tục kêu gọi giải quyết các vấn đề giữa hai quốc gia Hồi giáo mà không kèm điều kiện tiên quyết”. Theo ông, Tehran hoan nghênh mọi biện pháp nhằm giải quyết những bất đồng với các nước láng giềng, đặc biệt là với các nước Hồi giáo.
Tại khu vực Trung Đông, Iran và Saudi Arabia thường được coi là đối thủ lớn của nhau. Xung đột tại Yemen được xem là một phần trong cuộc đối đầu giữa hai quốc gia này trong khu vực khi Riyadh dẫn đầu liên minh quân sự tham chiến tại Yemen để ngăn chặn lực lượng nổi dậy Houthi được Iran hậu thuẫn. Mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Tehran hồi tháng 6 vừa qua tuyên bố có thể sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, trong khi nền kinh tế của Riyadh lại hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ.