Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất vẫn là để cơ chế thị trường quyết định.
Vì sao giá xăng giảm sâu nhưng giá cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt, đây đang là thắc mắc của rất nhiều người dân.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia cho rằng câu chuyện giá cước vận tải không giảm hoặc giảm không tương xứng với giá nhiên liệu vẫn tồn tại xưa nay và giải pháp tốt nhất vẫn là để cơ chế thị trường quyết định.
TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):
Theo cơ chế thị trường
Thực tế vừa qua, vì dịch COVID-19, ngành giao thông như hàng không, vận tải đường bộ, số lượng hành khách giảm mạnh. Tuy nhiên, chi phí thường xuyên không giảm nên trong bối cảnh hiện nay cần phải thông cảm cho các đơn vị vận tải. Mặc dù chúng ta đều biết giá nhiên liệu giảm thì giá cước vận tải phải giảm theo.
Hiện nay, cơ cấu là giá xăng dầu chiếm 30%-37% giá cước vận tải và Nhà nước không can thiệp vào việc quyết định giá. Theo tôi, hiện nay vẫn nên để cho thị trường quyết định vì trên thị trường vận tải vẫn đang có sự cạnh tranh thật sự.
Ngày 13-5, giá nhiên liệu tăng trở lại sau khi các hoạt động kinh tế, xã hội, đi lại… đang được nối lại. Tuy nhiên, theo tôi, các hãng vận tải cũng sẽ không điều chỉnh giá tăng theo, họ sẽ cân đối để phù hợp và đó là cách điều tiết của thị trường.
Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Phá sản ý tưởng sàn giao dịch vận tải
Hiện nay, giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, cước taxi, xe buýt thì phải đăng ký giá với cơ quan chức năng, còn giá cước khác như vận tải hàng hóa, vận tải khách theo hợp đồng… thì đang theo cơ chế thị trường.
Cước vận tải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Như ở thời điểm này, ngoài yếu tố đầu vào (trong đó có nhiên liệu) thì doanh nghiệp vận tải (DNVT) còn chịu tác động từ dịch COVID-19. Như vận tải đường dài, xe container lạnh vì phải kiểm soát dịch nên tăng thêm chi phí do thời gian chờ dài, quay vòng xe không đảm bảo… chưa nói đến chi phí lãi vay, khấu hao xe.
Mong muốn giảm giá cước vận tải là mong muốn chính đáng của người dân nhưng như phân tích, các DNVT cũng phải cân nhắc rất nhiều tác động từ nhiều yếu tố. Theo tôi, giá cước vận tải vẫn phải theo cơ chế thị trường, còn nếu như mệnh lệnh hay quản lý nhà nước thì rất phức tạp, có khi lại không tốt.
Còn ý tưởng lập sàn giao dịch vận tải để thông qua đó cạnh tranh, giá cước được minh bạch hơn nhưng thực tế ngành vận tải đã làm nhưng không đi vào cuộc sống. Đơn cử như năm 2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có thử nghiệm sàn giao dịch kiểu này nhưng các chủ hàng lại không mặn mà với việc tìm kiếm đơn vị vận chuyển trên sàn này (dù các đơn vị vận chuyển, DNVT đăng quảng cáo về dịch vụ mình rất nhiều) và sau đó thì sàn thất bại.
Năm 2019, hiệp hội của chúng tôi cũng cùng một đơn vị đưa ra sàn vận tải hàng hóa, hành khách thì cũng không hoạt động hiệu quả, các hành khách và chủ hàng không sẵn sàng tham gia sàn giao dịch, họ chỉ muốn tự mình làm việc trực tiếp với đơn vị vận tải.
Các chuyên gia cho rằng giải pháp tốt nhất để giải quyết việc giá cước vận tải không giảm hoặc giảm không tương xứng với giá nhiên liệu là để cơ chế thị trường quyết định. Ảnh: HOÀNG GIANG
TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:
Xăng tăng – cước tăng, xăng giảm – cước phải giảm
Về nguyên tắc thị trường thì khi giá xăng dầu tăng, giá cước vận tải cũng sẽ tăng. Ngược lại khi giá xăng giảm thì cước vận tải, hàng hóa phải giảm. Từ đầu năm đến nay, tính ra giảm bảy lần, giá xăng đã giảm tới gần một nửa.
Có thể trong giá thành sản phẩm giá xăng dầu chiếm tỉ trọng không nhiều, việc điều chỉnh giảm giá bán hàng hóa chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu, không phụ thuộc hoàn toàn vào giá xăng dầu tăng hay giảm. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã dẫn đến việc hạn chế đi lại. Nhu cầu vận tải giảm mạnh nên mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng chưa đủ điều kiện để DNVT giảm cước phí, dẫn đến giá hàng hóa chưa giảm.
Tuy nhiên, trong khoảng 10 ngày nay việc nới lỏng giãn cách xã hội, không có ca nhiễm mới, người dân đã đi lại bình thường. Vận chuyển hàng hóa ảnh hưởng ít hơn, nhu cầu tiêu thụ cũng tăng lên. Vì vậy, các DNVT nên có động thái giảm giá cước vì giá xăng hiện nay đã giảm sâu rồi, nếu không giảm thì người tiêu dùng chịu thiệt. Trong bối cảnh dịch bệnh thì không giảm nhiều cũng phải giảm ít 5%-10% giá cước, các đơn vị vận tải cũng phải có lộ trình giảm.
Hơn nữa, hiện nay Chính phủ cũng đã có những gói hỗ trợ tín dụng đối với các DN, giảm thuế, giãn nợ… thì các DNVT cũng phải đồng hành cùng chung tay giảm giá cước vận tải, hỗ trợ nền kinh tế.
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế (Học viện Tài chính):
Giảm giá cước vận tải để thu hút hành khách trở lại
Giá xăng dầu chiếm tới 37%-40% cước vận tải, hiện giá xăng dầu giảm mạnh như hiện nay thì giá cước vận tải giảm 20%-25% mới hợp lý.
Đúng là dịch COVID-19 khiến vận tải khó khăn nhưng vẫn phải chịu nhiều gánh nặng chi phí nhân công, bến bãi… Sau khi nới lỏng giãn cách, vận tải hành khách vẫn tiếp tục khó khăn vì vận tải giảm số ghế, khách giảm 50% nên vẫn phải tiếp tục giữ giá cước. Vận tải hàng hóa cũng chung cảnh ngộ vì dịch khiến các chuyến đường dài dừng lại, lượng hàng vận chuyển giảm.
Nhưng hiện nay đã tạm thời kiểm soát được dịch, hết giãn cách xã hội, hoạt động bình thường thì khi giá xăng dầu giảm, các DNVT phải giảm đầu tiên. Bản thân DN phải tự ý thức giảm giá cước để vừa có lợi cho chính họ, để kích cầu, thu hút hành khách trở lại.
Thứ hai là các hiệp hội vận tải phải có ý kiến với các DN hội viên trong việc điều chỉnh giảm giá cước theo mức giảm giá xăng dầu để giữ khách, để cạnh tranh.
Thứ ba là về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm để giúp giảm giá cước vận tải vì giá xăng dầu đã giảm sâu. Cụ thể là Cục Quản lý giá, cơ quan quản lý thị trường (Bộ Tài chính) phải có trách nhiệm quản lý điều chỉnh giá cước vận tải giảm thông qua các khuyến cáo, khuyến khích DN.
Ngoài ra, đối với các loại cước phí vận tải như phí bảo trì đường bộ, cơ quan nhà nước cần linh hoạt có chính sách giảm để hỗ trợ DNVT.