Giá xăng giảm mạnh, cước vận tải vẫn bất động

Xăng dầu trong nước liên tục giảm giá 4 lần trong các tháng 10, 11 và 12, nhưng cước vận tải vẫn “án binh bất động”. Nhiều doanh nghiệp viện đủ lý do chưa giảm giá cước…

1

Dù giá xăng dầu trong nước liên tục giảm nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa giảm giá cước – Ảnh: Văn Thanh

“Điệp khúc” đổ lỗi xăng dầu giảm nhỏ giọt

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, kiêm Giám đốc Hãng taxi Vinasun cho biết, không hãng taxi nào dám tự tăng hay giảm giá cước vận tải. Muốn tăng hay giảm còn có sự thống nhất chung của các hãng taxi về mặt bằng giá chung. Vì với giá cước vận tải taxi, xăng chỉ chiếm khoảng 1/4 giá thành.

Khi PV hỏi, sao lúc xăng tăng giá, cước taxi cũng tăng theo rất nhanh, nhưng không có chiều ngược lại, ông Hồ Quốc Phi, Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc cho rằng, trước đó, xăng tăng giá 6 lần, nhưng Mai Linh gần như không tăng giá cước.

Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP HCM Nguyễn Văn Chánh cho rằng, một nghịch lý khẳng định biến động giá xăng dầu hiện nay không tác động nhiều đến thị trường và đến hoạt động doanh nhiệp vận tải. Khi đàm phán, có khoản trong hợp đồng ghi rõ giá xăng dầu tăng giảm bao nhiêu phần trăm mới tính chuyện điều chỉnh giá. Nếu giá xăng dầu tăng giảm chưa đạt mức theo hợp đồng thì không điều chỉnh.

Sau 4 lần giảm liên tiếp kể từ cuối tháng 6 đến nay, giá xăng E5 giảm 3.723 đồng, giá xăng RON95 giảm 3.858 đồng.

“Sở dĩ, giá cước hàng hóa không thể giảm do nhiều chi phí đầu vào khác như giá nhân công, bến bãi, vỏ lốp… chiếm khoảng 60% giá cước chưa được điều chỉnh trong ngắn hạn. Việc giảm giá cước có thể thực hiện dựa trên sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp vận tải phải mất nhiều thời gian và chi phí. Trước hết, các hãng phải chờ giá xăng, dầu giảm với biên độ đủ rộng mới tiến hành họp các thành viên trong hiệp hội để thống nhất khung giảm giá chung.

Ông Quyền lấy ví dụ, taxi phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền; vận tải khách phải in lại vé và phát hành lại. Trong vận tải hàng hóa do hợp đồng với chủ hàng đã được ký trước theo thời gian dài, khi điều chỉnh giá cước phải đàm phán với chủ hàng.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, theo Luật Giá, Nhà nước điều hành giá thông qua quỹ bình ổn, hoặc quy định một số loại giá dịch vụ. Tuy nhiên, giá cước vận tải không nằm trong danh mục này, mà theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự định giá của tổ chức, cá nhân.

Theo bà Hiền, với tác động sâu rộng tới mọi mặt kinh tế – xã hội, việc theo dõi, kiểm soát giá cước vận tải vẫn hết sức cần thiết nhằm tạo sự liên thông rõ nét hơn giữa giá cước vận tải đường bộ và giá xăng dầu, đảm bảo quyền lợi ba bên doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng.

2
Giá cước vận tải vẫn chưa giảm theo giá xăng – Ảnh: Tạ Tôn

Hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thay đổi giá cước

Không chỉ lo ngại trước cơ chế xăng tăng giá ầm ầm, nhưng giảm lại nhỏ giọt, cả doanh nghiệp và Hiệp hội Vận tải ô tô VN đều than gặp khó nếu giá xăng biến động theo chu kỳ 10 – 15 ngày/lần. Ông Hồ Quốc Phi cho rằng, nếu giá xăng biến động nhiều, cứ 15 ngày thay đổi một lần, người tiêu dùng sẽ rất hoan nghênh còn các doanh nghiệp taxi sẽ chịu ảnh hưởng lớn, coi như mất đứt một ngày không kinh doanh, chưa kể phải tốn nhiều tiền thuê kiểm định phá kẹp chì đồng hồ.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: “Với xăng dầu, tăng và giảm giá nên có mức độ thích hợp, không nên tăng vài nghìn đồng nhưng chỉ giảm vài trăm đồng. Doanh nghiệp vận tải mong muốn ổn định chu kỳ tăng giảm giá xăng dầu. Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng phải theo cơ chế thị trường, khi giá nhập khẩu tăng phải tăng và ngược lại. Chúng tôi đang nghiên cứu cách hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thay đổi giá cước sao cho phù hợp với các biến động từ giá xăng dầu trong thời gian tới”.

Ông Nguyễn Đăng Toàn, Giám đốc Công ty Vận tải Quốc Thịnh chia sẻ, việc giá xăng liên tiếp giảm 4 lần gần đây nhưng cũng chưa bù lại mức tăng 6 lần đầu năm để bù trừ cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc giảm giá xăng lần này ít có doanh nghiệp nào điều chỉnh giá. Hơn nữa, hiện việc tăng giảm giá cước theo thị trường. Các doanh nghiệp tùy vào đối tác, đơn hàng, cự ly vận chuyển để có chính sách giá vận chuyển hợp lý. Nếu giá vận chuyển cao, đối tác sẽ chọn doanh nghiệp vận tải khác.

Cơ hội để hãng hàng không cơ cấu lại giá vé

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện một hãng hàng không cho biết, trong suốt thời gian dài, giá xăng dầu đã lên cao, thậm chí cao hơn cả giá mà hãng làm kế hoạch. Tuy nhiên, trên các đường bay nội địa, giá vé vẫn phải tuân thủ theo đúng khung giá theo quy định hiện hành.

Mặc dù vậy, việc giá nhiên liệu Zet A1 giảm từ 90 USD/thùng, xuống 80 USD/thùng gần đây cũng là cơ hội để các hãng cơ cấu lại giá vé, cung cấp nhiều mức vé thấp trong dải giá cho hành khách đã đăng ký để tăng tính cạnh tranh.

Phía Cục Hàng không VN cho biết, theo khung giá hiện hành, giá vé máy bay nhóm đường bay phát triển kinh tế – xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; Từ 500 – 800km là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850 – dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 – dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; Từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều…

“Các hãng đều đăng ký nhiều dải giá từ thấp đến cao, nếu có giá nhiên liệu thuận lợi sẽ tính toán để có mức giá rẻ. Việc này luôn được hãng hàng không quyết định một cách uyển chuyển tuỳ theo thị trường”, đại diện Cục Hàng không VN khẳng định.

Nguồn: Báo Giao thông

028.37273883