Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu và chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương phải công bố giá cơ sở xăng RON 95. Tuy nhiên, đến hết quí 1-2018, thay vì công bố mức giá cần thiết như luật định, cơ quan này lại bỏ qua.
Giá xăng RON 95 vẫn tiếp tục trong vùng “tranh tối tranh sáng” Ảnh:TL
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu tính từ ngày 7-4-2018, Bộ Công Thương vẫn nhắc lại chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi tháng 1-2018 về việc phải công bố giá xăng RON 95 phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của thị trường. Chỉ đạo này xuất phát từ phản ứng của giới chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu và công luận khi Nghị định 83 yêu cầu phải công bố giá cơ sở của tất cả các loại xăng dầu. Kể từ khi xăng RON 92, vốn được công bố giá cơ sở, nay không còn được đưa vào sử dụng nữa.
Vấn đề là bộ chỉ công bố giá xăng RON 95 trên thị trường thế giới trong kỳ điều hành, bình quân xấp xỉ 80 đô la Mỹ/thùng (tăng 3,76 đô la/thùng, tương đương mức tăng 4,94% so với kỳ trước). Do vậy, bộ khuyến nghị các thương nhân đầu mối tăng giá bán xăng RON 95 tối đa 526 đồng/lít so với giá bán hiện hành.
Ngay sau đó, Petrolimex – doanh nghiệp đầu mối lớn nhất – đã công bố giá xăng áp dụng từ ngày 7-4 với mức tăng giá của xăng RON 95 là 520 đồng/lít.
Bộ Công Thương hoàn toàn có thể tính toán được giá xăng cơ sở RON 95, mặt hàng được tiêu thụ từ 35% đến 60% tổng sản lượng xăng bán ra trên thị trường tùy theo từng đầu mối. Bởi với giá xăng thế giới đã có, thuế các loại và chi phí định mức của doanh nghiệp là có thể tính ra giá. Nhưng giá cơ sở, bắt buộc phải có để điều hành giá lại chuyển thành “khuyến nghị” là hoàn toàn không theo một cơ chế điều hành nào cả, càng không mang tính thị trường.
Theo lời ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn VOV hôm 11-4, việc Bộ Công thương chưa công bố giá cơ sở là “vì lý do nào đấy”. Nhưng ông cũng khẳng định, lý do nào thì cũng là chưa minh bạch, đi ngược lại quyền lợi của người dân và chỉ đạo từ Chính phủ. Vì dù xăng RON 95 nhập từ các nguồn khác nhau, giá nhập khẩu khác nhau thì cơ quan này đều có thể tính ra giá nhập khẩu bình quân (tương tự như thuế nhập khẩu bình quân gia quyền từ các thị trường có mức thuế nhập khẩu khác nhau) cộng với các chi phí và định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp.
“Việc bộ yêu cầu doanh nghiệp chỉ được điều chỉnh mức này, không điều chỉnh mức kia cũng phải dựa trên tính toán có cơ sở chứ không thể đưa ra một con số thiếu căn cứ hay chủ quan được”, vẫn theo ông Thỏa.
Tuy nhiên, câu hỏi của TBKTSG Online gửi đến Bộ Công Thương về việc tại sao chưa công bố giá cơ sở, lại đưa ra mức tăng giá “khuyến nghị” đối với RON 95, hiện vẫn chưa được hồi đáp. Sự im lặng này phải chăng nhằm tạo ra các vùng “tranh tối, tranh sáng” trong việc điều hành một nửa thị trường tiêu thụ xăng dầu trên cả nước?
Nguồn tin: thesaigontimes.vn