Trong ngày giao dịch 9/12, giá vàng ổn định suốt phiên Á, Âu, quanh mức 1.077 USD, nhưng bất ngờ tăng vọt lên mốc cao nhất từ đầu tuần tại 1.084 USD khi bước vào đầu giờ New York sau khi chứng kiến chỉ số đồng USD sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, thị trường bắt đầu xuất hiện lực bán tháo, đẩy giá vàng rớt mạnh 15 USD, xuống mức thấp nhất trong ngày là 1.070 USD. Sau đó, giá phục hồi nhẹ khi về cuối phiên Mỹ nhờ lực mua bắt đáy và chốt ngày quanh 1.072 USD, tính ra vẫn giảm gần 3 USD so với phiên liền trước.
Bước sang giờ giao dịch châu Á sáng nay, kim loại quý đang có xu hướng đi lên. Tính đến 8h, giờ Hà Nội, mỗi ounce vàng giao dịch quanh mốc 1.073,5 USD, tăng gần 2 USD so với mở cửa.
Nếu quy đổi với tỷ giá 22.520 đồng, mỗi lượng vàng thế giới hiện tương đương với 29,15 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, lãi suất, tiền gia công…). Trong khi đó, mỗi lượng vàng trong nước lúc chốt ngày hôm qua có giá 33,14-33,20 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước trên dưới 4 triệu đồng.
Thị trường dầu thô hiện vẫn là trọng tâm trong tuần này khi giá kỳ hạn trên sàn Nymex vào hôm thứ Ba đã giảm xuống mức thấp nhất gần 7 năm, về sát 37 USD một thùng. Việc thị trường dầu thô sụt giảm mạnh cũng khiến cho các nhà đầu tư nhát tay trong việc bỏ tiền vào các loại hàng hoá khác, trong đó có vàng. Điều này cũng phần nào làm tăng áp lực lên giá kim loại quý này.
Ngoài ra, cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở – FOMC vào tuần tới cũng được các nhà đầu tư quan tâm. Đa số các nhà quan sát thị trường cho rằng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ – FED sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong chín năm vào ngày 16/12. Và đây sẽ tiếp tục là yếu tố gây bất lợi cho giá vàng.
Lệ Chi