Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu chuẩn Tây Texas (WTI) đều tăng hơn 1%.
Một giếng dầu ở tỉnh Hasakah, Syria, ngày 5/11/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến các phiên tăng giảm đan xen, trước số liệu về hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, chương trình cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất, báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ và diễn biến mới về đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu chuẩn Tây Texas (WTI) đều tăng hơn 1%, khi hai mặt hàng này vọt lên mức cao nhất trong gần ba tháng trong phiên cuối tuần.
Trong phiên đầu tuần (9/12), giá dầu đi xuống giữa lúc xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận tháng giảm thứ tư liên tiếp, qua đó càng làm thị trường quan ngại về nhu cầu “vàng đen” trên thế giới, vốn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Số liệu hải quan công bố ngày 8/12 cho thấy xuất khẩu từ Trung Quốc trong tháng 11/2019 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trái với mức dự báo tăng 1% của các chuyên gia tham gia cuộc khảo sát của Reuters.
Sang phiên giao dịch 10/12, giá dầu lấy lại đà tăng, khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa của các nhà sản xuất trong năm 2020 hỗ trợ giá mặt hàng này.
Tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, trong đó có Nga, gọi là OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày từ mức cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày hiện nay.
Tuy nhiên, Gene McGillian, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Tradition Energy, nhận định bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất, giá dầu vẫn dưới mức đỉnh của ba tháng.
Giá dầu quay đầu giảm gần 1% trong phiên giao dịch 11/12, sau báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tuần trước dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 822.000 thùng, trái với kỳ vọng giảm 2,8 triệu thùng trong cuộc thăm dò do Reuters tiến hành trước đó.
Với việc đứng ở mức 447,9 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ tại thời điểm hiện nay cao hơn khoảng 4% so với mức trung bình 5 năm.
Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã phục hồi trở lại trong phiên giao dịch 12/12, trước những kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sắp đạt được thỏa thuận để giải quyết tranh chấp thương mại, vốn “đè nặng” lên nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/12 cho biết Washington đang tiến “rất gần” tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuyên bố này đưa ra giữa những báo cáo cho rằng nước này đang cân nhắc trì hoãn hoặc có thể hủy bỏ đợt áp thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12.
Trong phiên cuối tuần (13/12), giá dầu vọt lên mức cao nhất trong gần ba tháng giữa bối cảnh các nhà đầu tư tỏ ra “hoan hỉ” trước bước tiến trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc và kết quả bầu cử tại Anh.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,02 USD (1,6%) lên 65,22 USD/thùng, còn dầu WTI tăng 89 xu (1,5%) lên 60,07 USD/thùng. Cả hai mặt hàng đều đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 16/9.
Ngày 13/12, Mỹ và Trung Quốc đã hạ nhiệt cuộc chiến thương mại song phương, với việc công bố về thỏa thuận “Giai đoạn 1”.
Theo đó, Mỹ hạ hàng rào thuế quan cho hàng hóa Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh sẽ mua lượng lớn hàng hóa Mỹ.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Trung Quốc đã đồng ý mua thêm 32 tỷ USD nông sản của Mỹ trong vòng 2 năm theo thỏa thuận trên.
Trong khi đó, tại Anh, kết quả cuối cùng của cuộc tổng tuyển cử công bố ngày 13/12 cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đã giành được 365 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện.
Chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ sẽ dọn đường cho tiến trình Brexit – Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – đúng thời hạn vào ngày 31/1/2020 sau nhiều năm bế tắc chính trị.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD trong phiên này cũng hỗ trợ giá các mặt hàng như dầu mỏ. Thống kê cho thấy giá dầu Brent đã tăng 21% trong năm 2019, nhờ những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Mới đây, ngân hàng Goldman Sachs đã điều chỉnh nâng dự báo giá dầu Brent giao ngay lên 63 USD/thùng trong năm 2020, so với ước tính trước đó là 60 USD/thùng./.