Giá dầu thế giới tăng 6%-8% trong tháng Tư

Thị trường dầu ghi nhận đà tăng giá trong cả tuần qua và khép lại tháng Tư với kết quả tích cực.

Thị trường dầu ghi nhận đà tăng giá trong cả tuần qua và khép lại tháng Tư với kết quả tích cực mặc dù những quan ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu tại Ấn Độ và suy giảm nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản đã khiến giá dầu thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/4.

Ngay từ đầu tuần này, diễn biến dịch COVID-19 căng thẳng tại Ấn Độ -quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới- đã dấy lên những quan ngại về triển vọng tiêu thụ dầu của nước này.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên đầu tuần ngày 26/4 khi Ủy ban kỹ thuật của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thừa nhận nhu cầu dầu mỏ có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở quốc gia Nam Á này.

Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi trong phiên giao dịch liền sau đó khi OPEC và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, quyết định không thay đổi kế hoạch tăng dần sản lượng dầu thô, đồng thời nhận định nhu cầu sẽ phục hồi mạnh trong năm nay.

OPEC+ nhấn mạnh đến việc kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, nhờ các biện pháp hỗ trợ về tài chính và tiền tệ chưa từng có, cho rằng đà phục hồi sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm.

Xu hướng tăng của giá dầu tiếp tục duy trì trong phiên 28-29/4, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 90.000 thùng trong tuần trước, ít hơn nhiều so với dự đoán tăng 659.000 thùng của giới phân tích.

Trong khi đó, lượng dự trữ các sản phẩm dầu chưng cất giảm 3,3 triệu thùng, và các nhà máy lọc dầu đã tăng cường hoạt động lên 85,4% năng lực sản xuất, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Tới phiên giao dịch cuối cùng của tháng Tư, giá dầu đi xuống, khép lại tuần giao dịch trồi sụt thất thường. Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2021 giảm 1,43 USD (2,2%), xuống 63,58 USD/thùng.

Trong khi tại thịt trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lùi 1,31 USD (1,9%), xuống 67,25 USD/thùng.

Đây là mức giảm theo ngày mạnh nhất của cả hai loại dầu này trong ba tuần qua. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn tăng 1,7%, giá dầu WTI tăng 2,3%.

Chốt lại tháng 4/2021, giá dầu Brent và dầu WTI lần lượt ghi nhận mức tăng gần 8% và gần 6%.

Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group (có trụ sở tại Chicago) cho biết, vấn đề lớn nhất hiện vẫn đang nằm ở các báo cáo từ Ấn Độ liên quan đến dịch COVID. Sự bất ổn đó đã đưa thị trường đứng trước nhiều rủi ro.

Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đang rơi vào khủng hoảng y tế trầm trọng khi số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng cao, lên đến hơn 19 triệu ca tính tới ngày 1/5/2021, khiến các bệnh viện và nhà xác quá tải.

Tại Nhật Bản, một nhà nhập khẩu dầu thô lớn khác, lượng dầu nhập khẩu cũng giảm 25% trong tháng 3/2021 so với một năm trước đó, xuống 2,34 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại các nhà máy của nước này đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm 2018.

Sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 4/2021, do nguồn cung tăng cường từ Iran, đi ngược với thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của các-ten này với các đồng minh.

Một cuộc khảo sát mới đây của Reuters dự báo rằng, giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 64,17 USD/thùng vào năm 2021, tăng so với mức tương ứng của tháng trước là 63,12 USD/thùng và mức trung bình 62,30 USD/thùng kể từ đầu năm tới nay./.

028.37273883