Giá dầu Mỹ lập đỉnh mới, vượt 46 USD/thùng

 Giá dầu Mỹ phiên 11/5 lập đỉnh mới trong năm nay khi lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua bất ngờ giảm 3,4 triệu thùng.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 6/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,57 USD, tương ứng 3,5%, lên 46,23 USD/thùng, cao nhất kể từ 4/11/2015.

Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 2,08 USD, tương đương 4,6%, lên 47,60 USD/thùng.

Giá dầu tăng mạnh sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu cho thấy lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 6/5 giảm 3,4 triệu thùng, trái ngược với dự đoán tăng 400.0000 thùng của các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street Journal và mức tăng 3,45 triệu thùng theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API).

Nguồn cung xăng cũng giảm 1,2 triệu thùng trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 1,6 triệu thùng.

Giá dầu Mỹ đã tăng 76% kể từ khi rơi xuống đáy 13 năm hồi đầu năm nay, một phần nhờ sản lượng dầu thô của Mỹ giảm và gián đoạn nguồn cung tại một số khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, lượng dầu lưu kho khổng lồ đã kiềm chế đà tăng này khi một số nhà đầu tư cho rằng họ không nghĩ rằng đà tăng hiện nay có thể kéo dài trước khi lượng dầu lưu kho toàn cầu giảm.

Theo EIA, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần qua giảm ngay cả khi nhập khẩu và sản lượng vẫn tương đối ổn định và các nhà máy lọc dầu giảm công suất chế biến so với tuần trước đó.

Giới phân tích dự đoán nhập khẩu dầu thô của Mỹ sẽ giảm trong tuần tới do cháy rừng tại Canada khiến một công ty dầu cát phải tạm dừng hoạt động.

Giá dầu phiên 11/5 cũng được hỗ trợ khi EIA ước tính sản lượng dầu thô của Mỹ tuần qua giảm nhẹ xuống 8,8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014, đánh dấu tuần giảm thứ 9 liên tiếp cũng như sự gián đoạn nguồn cung tại Nigeria, Canada và một số khu vực khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những yếu tố hộ trợ giá dầu hiện nay chỉ mang tính nhất thời và thị trường vẫn trong tình trạng thừa cung, nhất là trong bối cảnh sản lượng dầu thô của các nước sản xuất chủ chốt như Arab Saudi và Iran tiếp tục tăng mạnh.

Nguồn tin: nhipcaudautu

028.37273883