Giá dầu châu Á phục hồi được phần lớn mức giảm sâu trước đó

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng lên 71,69 USD/thùng trong khi đó giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng lên mức 68,31 USD/thùng.

 

Gia dau chau A phuc hoi duoc phan lon muc giam sau truoc do hinh anh 1
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng hơn 3% vào chiều 1/12 và bù đắp một phần lớn mức giảm sâu của phiên trước đó, khi các nhà sản xuất lớn chuẩn bị thảo luận về mối đe dọa từ biến thể Omicron lên nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,46 USD (tương đương 3,6%) lên 71,69 USD/thùng lúc 14 giờ 42 phút 9 (giờ Việt Nam), sau khi đã có lúc tăng lên mức 71,95 USD/ounce trước đó cùng phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 2,13 USD (3,2%) lên 68,31 USD/thùng.

Giá hai loại dầu trên đã lần lượt giảm 3,9% và 5,4% vào hôm thứ Ba.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp vào thứ Tư và trước cuộc họp vào thứ Năm của OPEC+ (bao gồm thành viên OPEC với các nhà sản xuất lớn ngoài khối như Nga).

Nhà phân tích Leona Liu tại chuyên trang tài chính DailyFX (Mỹ) cho biết khi cân nhắc tới các diễn biến gần đây liên quan tới biến thể Omicron, OPEC+ có thể thận trọng hơn đối với việc tăng sản lượng.

Một số nhà phân tích dự kiến OPEC+ sẽ tạm dừng kế hoạch bổ sung sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022, do nhu cầu nhiên liệu có thể bị ảnh hưởng vì các biện pháp kiềm chế đi lại để ngăn chặn sự lan rộng của biến thể Omicron.

[Giá dầu thế giới trải qua tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 8]

Một thông tin có khả năng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng đã “nguội” phần nào là các nguồn tin thị trường cho hay kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 747.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/11. Mức giảm này nhỏ hơn dự báo giảm 1,2 triệu thùng theo kết quả cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Bên cạnh đó, chuyên gia Sunil Katke, người đứng đầu bộ phận thị trường hàng hóa bán lẻ tại công ty môi giới đầu tư Kotak Securities (Ấn Độ), cũng lưu ý rằng giá dầu đã điều chỉnh từ 85 USD/thùng xuống gần 70 USD/thùng sau khi Mỹ và các quốc gia tiêu thụ lớn khác đồng ý mở kho dự trữ. Diễn biến này nhiều khả năng buộc OPEC+ cân nhắc lại kế hoạch tăng sản lượng.

Một số Bộ trưởng OPEC+ đã nói rằng khối này không cần thiết phải thay đổi lộ trình. Tuy nhiên, ngay cả khi OPEC+ đồng ý giữ nguyên kế hoạch tăng nguồn cung vào tháng 1/2022, các nhà sản xuất nhiều khả năng gặp khó khăn trong việc bổ sung thêm số thùng dầu đó./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

028.37273883