Giá dầu giảm nhờ những tín hiệu từ Saudi Arabia

 

Giá dầu thế giới đã trải qua một tuần “ảm đạm” giữa bối cảnh sự sụt giảm sâu trong phiên 23/10 đã kéo lùi các phiên tăng giá khác.

Hoạt động khai thác dầu thô của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: TTXVN

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,7%, còn giá dầu chuẩn ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,3%.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (22/10), giá dầu tăng nhẹ dù Saudi Arabia cam kết sẽ tăng sản lượng dầu thô lên mức cao kỷ lục, hai tuần trước khi các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ đối với Iran bắt đầu có hiệu lực.

Phát biểu với hãng thông tấn TASS của Nga, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết nước này không có ý định thực hiện một lệnh cấm vận dầu như năm 1973 đối với người tiêu dùng phương Tây, mà sẽ tập trung vào việc nâng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt. Ông Falih cho biết Saudi Arabia sẽ sớm tăng sản lượng từ mức 10,7 triệu thùng/ngày hiện thời lên 11 triệu thùng/ngày, và nói thêm rằng Riyadh còn có khả năng đưa con số này lên 12 triệu thùng/ngày.

Sang phiên ngày 23/10, giá dầu giảm gần 5% xuống mức thấp của hai tháng do hoạt động bán ra cổ phiếu trên thị trường chứng khoán toàn cầu đã làm dấy lên những lo ngại về mức tăng trong nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”. Chốt phiên này, trên thị trường New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc có lúc giảm 5% xuống 75,88 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 7/9. Còn giá dầu WTI có thời điểm sụt mất 5,2% xuống 65,74 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ ngày 20/8. Các chuyên gia dự báo nếu giá dầu Mỹ giảm xuống dưới mức 65 USD/thùng, một mốc tâm lý quan trọng, thì có thể gây ra một đợt bán ra mang tính kỹ thuật.

Tới phiên giao dịch ngày 24/10, giá dầu biến động trái chiều, trước báo cáo về dự trữ nhiên liệu tại Mỹ và triển vọng gia tăng nguồn cung từ Saudi Arabia. Dự trữ xăng tại Mỹ đã giảm 4,8 triệu thùng xuống 229,3 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017,. Trong khi đó, theo các chuyên gia, giá dầu Brent chịu tác động từ triển vọng nguồn cung toàn cầu, khi kế hoạch gia tăng sản lượng của Saudi Arabia có thể làm giảm sức hấp dẫn của mặt hàng này.

Giá dầu đi lên trong phiên giao dịch ngày 25/10, sau khi chứng kiến sự khởi sắc của thị trường chứng khoán Mỹ. Ngoài ra, việc Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nói bóng gió về việc các nhà sản xuất dầu chủ chốt có thể can thiệp vào thị trường năng lượng toàn cầu nhằm nâng đỡ giá dầu cũng góp phần hỗ trợ thị trường. Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên cuối tuần (26/10), trước đồn đoán các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran có thể làm nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 0,73 USD (1%) lên 77,62 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 0,26 USD (0,4%) lên 67,59 USD/thùng.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4/11 và giới phân tích ước tính rằng thị trường “vàng đen” có nguy cơ mất đi nguồn cung lên đến 1,5 triệu thùng/ngày. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hồi tháng Sáu đã nhất trí tăng nguồn cung để bù đắp cho khả năng hoạt động xuất khẩu dầu của Iran bị gián đoạn. Nhưng một tài liệu nội bộ mà hãng tin Reuters có được cho thấy OPEC đang gặp khó khăn trong việc này, khi sự gia tăng sản lượng của Saudi Arabia bị “triệt tiêu” bởi sự sụt giảm ở những nước khác, trong đó có Iran và Venezuela.

Tuy nhiên, theo một quan chức của Saudi Arabia tại OPEC, thị trường dầu mỏ thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung trong quý IV/2018, giữa bối cảnh các thị trường tài chính đang gặp khó bởi nhiều mối lo như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, sự bất ổn của các thị trường tiền tệ mới nổi, lãi suất cho vay và lợi suất trái phiếu tăng, cùng với những vấn đề ngân sách của Italy. Trong khi đó, OPEC dự đoán nhu cầu đối với dầu thô của khối này sẽ giảm từ mức trung bình 32,8 triệu thùng/ngày trong năm nay xuống còn 31,8 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Nguồn: Bnews

028.37273883