Sáng 18-5, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, bàn các giải pháp về tình trạng tôm chết hàng loạt tại tỉnh này.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám (thứ ba từ phải sang) thăm hỏi tình hình nuôi tôm của người dân tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, Cà Mau chiều 17-5 – Ảnh: Chí Quốc
Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Tám cho biết khảo sát thực tế cho thấy tình trạng tôm chết ở Cà Mau rất nghiêm trọng, vì vậy cần có giải pháp quyết liệt để ứng phó phù hợp.
Ông Tám đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xem xét bổ sung công bố thiên tai đối với tôm (trước đó đã công bố thiên tai đối với lúa) để có biện pháp chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời cho nông dân.
Trường hợp không công bố thiên tai thì chủ tịch UBND tỉnh cũng xác nhận thiệt hại để dân được hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cần cử các tổ công tác đến các địa phương trong tỉnh để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân nuôi tôm, trong khi đó cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng cơ quan chức năng địa phương phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống ở các tỉnh miền Trung và tại các địa phương ở ĐBSCL.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, qua khảo sát và thống kê nhanh của các huyện, hiện diện tích tôm nuôi thiệt hại là 52.467ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh.
Theo tính toán, nếu ước chi phí nuôi 1ha tôm khoảng 5 triệu đồng thì tổng thiệt hại của số tôm bị chết nêu trên là khoảng 260 tỉ đồng.
Nếu tình hình nắng hạn còn tiếp tục kéo dài thì đến hết tháng 5 và sang đầu tháng 6, hầu hết các vùng nuôi tôm nằm xa các trục kênh chính đều bị thiếu nước, độ mặn hầu hết vượt ngưỡng 50 ‰, tôm nuôi sẽ bị thiệt hại rất nghiêm trọng, diện tích bị thiệt hại có thể lên đến 100.000ha, vì vậy đời sống người dân sẽ vô cùng khó khăn.
Một vuông tôm ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau thất mùa, người dân bỏ không – Ảnh: Chí Quốc
Ngành nông nghiệp Cà Mau cho biết giải pháp trước mắt là tuyên tuyền, kêu gọi người dân ngừng thả giống cho đến khi có mưa và rửa mặn, xả phèn, môi trường phù hợp mới thả nuôi.
Một số địa bàn còn nuôi tôm thì khuyến cáo nông dân bổ sung nước vào vuông tôm tối thiếu trên mặt ruộng phải trên nửa mét để hạn chế nắng nóng, độ mặn tăng cao đột biến ảnh hưởng đến tôm. Ngoài ra cũng sẽ điều tra, thống kê thiệt hại về nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh để đề xuất thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho dân.
Chí Quốc (Báo Tuổi Trẻ)