Việc giá dầu quay trở lại mốc 50 USD/thùng đang khiến nhiều người tiêu dùng tại Châu Á lo lắng khi hóa đơn tiền xăng tăng lên, trong khi chính phủ phải tốn nhiều tiền trợ giá nhiên liệu hơn.
Đổ xăng tại thủ đô Jakarta-Indonesia.
Những nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia và Thái Lan là các thị trường tiêu dùng nhiên liệu có trợ giá từ chính phủ và những quốc gia này đã hưởng lợi lớn khi giá dầu giảm.
Tuy nhiên, việc giá dầu quay đầu tăng trở lại ngưỡng 50 USD/thùng lần đầu tiên trong 6 tháng qua đã khiến giá nhiên liệu của một số nước tăng trở lại, qua đó kích thích tỷ lệ lạm phát.
Giá dầu diesel tại thành phố New Delhi đã tăng hơn 7% từ đầu năm đến nay, trong khi tại Thái Lan giá nhiên liệu này tăng tới 17%.
Tại Châu Á, khu vực tiêu thụ nhiên liệu lớn của thế giới, việc trợ giá năng lượng là điều thường thấy và đây là một gánh nặng đối với các chính phủ.
Khi giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng xuống dưới 50 USD/thùng vào cuối năm 2014, nhiều nước đã cắt giảm trợ cấp nhiên liệu nhằm tiết kiệm ngân sách.
Vào tháng 10/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã loại bỏ trợ cấp giá dầu diesel và chính sách này đã đem lại một số hiệu quả nhất định.
Năm 2012, Ấn Độ vẫn phải chi khoảng 39,4 tỷ USD cho trợ giá nhiên liệu nhưng con số này đã giảm xuống còn 29,7 tỷ USD vào năm 2014 sau khi chính phủ ngững trợ giá dầu diesel.
Với khoản tiết kiệm được từ trợ giá năng lượng, Ấn Độ đã có thêm tài chính đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, các hộ gia đình cũng tốn ít chi phí xăng xe hơn và dùng số tiền dư ra cho chi tiêu và đầu tư.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia nhận định việc cắt giảm trợ giá nhiên liệu và giá xăng giảm đã đem lại một sự ổn định tài chính công, vốn đã từng chịu nhiều dao động bởi giá dầu.
Tại Indonesia, chính quyền Jakarta cũng giảm trợ giá xăng khoảng 16% so với trước đây. Trong khi đó, Malaysia cũng giảm trợ giá xăng đi 41% trong khoảng 2013-2014.
Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu giảm cũng kích thích nhu cầu sử dụng năng lượng trên thị trường. Riêng tại Ấn Độ, nhu cầu sử dụng nhiên liệu đã tăng 10% trong quý I/2016
Tuy nhiên, giá dầu quốc tế thời gian gần đây đang có chiều hướng tăng trở lại khi hướng đến ngưỡng 50 Usd/thùng. Nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố này sẽ kích thích tỷ lệ lạm phát tại Châu Á, nhưng hiện những số liệu thống kê hiện nay chưa thể xác định được tác động của giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến giá tiêu dùng do tình hình này mới diễn ra.
Vì vậy, hiện các số liệu báo cáo đều cho thấy tỷ lệ lạm phát tại một số nước Châu Á đều ổn định hoặc suy giảm trong những tháng gần đây. Dẫu vậy, nếu giá dầu tiếp tục giữ ở ngưỡng 50 USD/thùng hay đi lên thì rất có thể tình hình lạm phát sẽ gia tăng và chính phủ các nước sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho trợ giá.
Nguồn tin: cafebiz