Trong bối cảnh quốc tế ngày càng nhiều biến động khó có thể dự báo, hoạt động dầu khí có thể phải đối mặt với nhiều thách thức hơn là cơ hội.
PVN cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí
Giá dầu biến động khó lường
Theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, giá dầu có xu hướng tăng ổn định đến năm 2023. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, năng lượng này vẫn tiềm ẩn quá nhiều biến động khó lường bởi nó không chỉ do cơ chế thị trường chi phối mà còn do những thủ đoạn giành giật quyền lực thống trị kinh tế – chính trị của các thế lực cường quyền dàn dựng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Ngoài ra, hiệu ứng cách mạng công nghiệp 4.0 tạo động lực các công ty dầu khí phải tái cấu trúc, tối đa hóa lợi nhuận tích hợp từ chuỗi giá trị, ứng phó kịp thời và hiệu quả với sự biến động của thị trường.
Yếu tố hội nhập cũng tạo điều kiện cho ngành dầu khí có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, với mức giá phù hợp. Tuy nhiên, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong các FTA tạo ra áp lực cạnh tranh các sản phẩm trong nước với hàng nhập khẩu về giá và chất lượng, điển hình là các sản phẩm lọc dầu.
“Trong khi đó, cân đối cung cầu xăng dầu của nhiều nước trong giai đoạn đến năm 2035 cho thấy, tình trạng dư cung sẽ xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước mà Việt Nam vẫn đang nhập khẩu về. Với tình trạng dư cung, trong khi nhiều nhà máy đã hết khấu hao nên nguy cơ các nước này sẽ sử dụng biện pháp bảo hộ thương mại “bán phá giá” là khó tránh khỏi, kéo theo áp lực cạnh tranh gay gắt hơn giữa giá xăng dầu nhập khẩu và sản phẩm lọc dầu trong nước”, báo cáo nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam nhận định.
Thêm vào đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm nhiên liệu trong các tiêu chí bảo vệ môi trường thời gian gần đây cũng thay đổi rất nhanh, có thể nói là hết sức gay gắt. Với lộ trình khí thải hiện tại của các nước châu Á, nếu không có sự nâng cấp nhà máy sản xuất trong nước, các sản phẩm lọc dầu trong nước không thể cạnh tranh, thậm chí không thể thâm nhập được thị trường của các nước trong khu vực.
“Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển dịch năng lượng toàn cầu để phát triển bền vững, phát triển công nghệ là tất yếu, cộng với những diễn biến khôn lường về chính trị đã và sẽ tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động dầu khí nói riêng… Có thể nói, trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh của PVN, lĩnh vực nào cũng đối mặt với những thách thức nhất định. Tuy nhiên, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác (E&P) và chế biến dầu khí là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều thách thức hơn cả”, nghiên cứu của Viện Dầu khí cho hay.
PVN cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí
Giải pháp nào cho PVN?
Trước bối cảnh “thách thức nhiều hơn cơ hội”, các chuyên gia Viện Dầu khí kiến nghị: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, ứng dụng công nghệ mới vào E&P, công nghiệp khí, chế biến dầu khí để nâng cao hiệu quả hoạt động (gia tăng trữ lượng, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động); Có các cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác (TKTDKT) dầu khí; Nghiên cứu, tái cấu trúc các lĩnh vực đầu tư phù hợp theo ưu thế, cơ hội, thách thức của từng lĩnh vực trong liên kết hữu cơ của ngành dầu khí (TDKT – Khí – Chế biến dầu khí)…
Bên cạnh đó, PVN cần nâng cao năng lực quản trị nội bộ bằng cách quản trị danh mục đầu tư, xếp hạng danh mục dự án đầu tư của từng lĩnh vực, nâng cao hiệu quả quản trị chi phí, tăng cường quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao công tác quản lý rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động (cập nhật thường xuyên các biến động để ngăn ngừa, hoặc điều chỉnh kịp thời hoạt động khi có rủi ro ảnh hưởng tiêu cực và kịp thời nắm bắt cơ hội nếu rủi ro có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả sản xuất kinh doanh). Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của biến động thị trường quốc tế đối với hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam để có giải pháp ứng phó/định hướng hoạt động phù hợp.
Về phía quản lý nhà nước, Viện Dầu khí kiến nghị: Dành nguồn lực phù hợp để phát triển ngành Dầu khí thành một phần quan trọng của ngành công nghiệp năng lượng; Tạo sân chơi bình đẳng, khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước, tham gia trong lĩnh vực năng lượng; Tạo hành lang để các doanh nghiệp Nhà nước trong ngành dầu khí có thể chủ động, linh hoạt, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân.