Đà phục hồi ấn tượng của giá dầu trong phiên cuối tuần

Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2019 tăng 30 xu Mỹ (tương đương 0,5%) lên 57,26 USD/thùng, mức đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 12/11/2018.

Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thị trường dầu mỏ thế giới biến động khá thất thường trong tuần qua, khi những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các tín hiệu lạc quan trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn vấp phải rào cản từ nguồn cung dồi dào từ Mỹ. Tuy vậy, đà phục hồi ấn tượng trong phiên cuối tuần vẫn giúp giá dầu đón nhận tuần đi lên.

Đầu tuần này (ngày 18/2), giá dầu thế giới ghi nhận phiên tăng giá thứ năm liên tiếp và hướng đến quý I khởi sắc nhất trong tám năm, nhờ giới đầu tư ngày càng tin tưởng rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ ngăn chặn lượng dầu dự trữ gia tăng.

Tuy nhiên, những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã kiềm chế phần nào đà tăng của giá ”vàng đen”. Thị trường có sự phân hóa ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, khi viễn cảnh không chắc chắn về vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm giảm sự lạc quan của giới đầu tư đối với chiều hướng thắt chặt nguồn cung.

Giá dầu tiếp tục trồi sụt bất nhất trong hai phiên giao dịch sau đó. Một ủy ban giám sát cho biết OPEC và các nước đồng minh cho biết mức độ tuân thủ của tổ chức này với những cam kết cắt giảm sản lượng của mình đang ở mức 83%.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết ông hy vọng thị trường dầu sẽ cân bằng vào tháng Tư và nguồn cung sẽ không bị gián đoạn do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela. Thông tin này đã giúp giá dầu leo lên mức cao nhất trong ba tháng vào ngày 20/2.

Song thị trường nhanh chóng rời khỏi mức này do báo cáo mới nhất từ Chính phủ Mỹ cho hay kho dự trữ dầu thô của nước này tăng mạnh và sản lượng đạt mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, mối quan ngại về nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế thế giới cũng đè nặng lên thị trường năng lượng.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/2, giá dầu thế giới đồng loạt khởi sắc và chạm mức cao nhất trong hơn ba tháng, giữa lúc thị trường chứng khoán và các loại hàng hóa khác đều phản ứng tích cực với diễn biến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 4/2019 tăng 30 xu Mỹ (tương đương 0,5%) lên 57,26 USD/thùng, mức đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 12/11/2018.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2019 tại thị trường London cũng “nhích nhẹ” 5 xu (tương đương 0,1%) lên 67,12 USD/thùng, cũng đánh dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/11/2018. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI tăng gần 3%, còn giá dầu Brent tăng 1,3%, ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Các đại diện thương mại Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc họp kéo dài trong hơn 9 giờ vào ngày 21/2. Ông Trump đã gặp gỡ nhà đàm phàn thương mại hàng đầu của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, vào ngày 22/2.

Mặc dù hai bên bày tỏ sự hài lòng về những tiến triển của cuộc đàm phán và để ngỏ khả năng gia hạn thỏa thuận ngừng chiến, song quan điểm khác biệt sâu sắc liên quan đến một số vấn đề cơ bản vẫn còn tồn tại, theo đó, các quan chức Mỹ đang thúc ép Trung Quốc ngừng lại những hành động mà Washington gọi là chuyển giao công nghệ bất hợp pháp và bảo hộ bất hợp lý cho các doanh nghiệp nhà nước.

Giá dầu trong phiên này còn được hỗ trợ bởi báo cáo mới nhất từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 4 giàn xuống 853 giàn trong tuần này.

Tuy vậy, nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đồng minh bao gồm cả Nga, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran và Venezuela, vốn được xem là những nhân tố có lợi cho giá dầu, lại gặp phải sự cản trở từ việc Mỹ tiếp tục bơm thêm dầu vào thị trường.

Theo báo cáo mới nhất từ cơ quan thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/2 đã tăng 3,7 triệu thùng, lên 454,5 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2017, bất chấp xuất khẩu dầu thô của nước này tăng 1,2 triệu thùng/ngày, lên 3,6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ, vốn đạt mức cao nhất thế giới vào năm ngoái, đã leo lên mức cao kỷ lục mới là 12 triệu thùng/ngày.

Nguồn: Bnews

028.37273883