Chứng khoán, vàng, dầu đồng loạt giảm sau biên bản cuộc họp của Fed

 Lo lắng Fed sẽ tăng lãi suất ngay trong cuộc họp tháng tới khiến giới đầu tư toàn cầu ồ ạt bán ra, kéo chứng khoán và thậm chí cả giá vàng giảm theo trong phiên thứ Năm.


Dữ liệu lạm phát trong tháng 4 của Mỹ bất ngờ tăng đã khiến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lớn hơn rất nhiều.

Hơn thế nữa, trong biên bản cuộc họp tháng 4 vừa được công bố, Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, khiến giới đầu tư bất ngờ, bởi sau cuộc họp, giọng điệu của Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen rất ôn hòa.

Sau phiên bản này và dữ liệu lạm phát được công bố, số nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 đã tăng lên 32%, hơn gấp đôi so với trước đó 2 ngày.

Chính nỗi lo Fed tăng lãi suất khiến giới đầu tư ồ ạt bán ra, đẩy phố Wall quay đầu giảm điểm trở lại trong phiên thứ Năm, trong đó chỉ số S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Dow Jones giảm 91,22 điểm (-0,52%), xuống 17.435,4 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,59 điểm (-0,37%), xuống 2.040,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 26,59 điểm (-0,56%), xuống 4.712,53 điểm.

Chịu chung ảnh hưởng từ thông tin bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt chìm trong sắc đỏ. Ngoài ra, chịu ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu năng lượng và nguyên liệu khi giá dầu và các nguyên liệu giảm do đồng USD tăng khiến chứng khoán châu Âu giảm mạnh hơn nhiều so với phố Wall. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán châu Âu còn giảm mạnh hơn nữa. Cổ phiếu ngân hàng tăng do kỳ vọng việc năng tăng lãi suất sẽ giúp kết quả kinh doanh của các nhà băng kinh doanh tốt hơn.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 112,45 điểm (-1,82%), xuống 6.053,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 147,34 (-1,48%), xuống 9.795,89 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 36,76 điểm (-0,85%), xuống 4.282,54 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà tăng tôt đầu phiên của chứng khoán Nhật Bản đã hạ nhiệt dần và chỉ còn đóng cửa với mức sắc xanh nhạt khi giới đầu tư thận trọng trước biên bản cuộc họp của Fed được công bố, cũng như đồng yên tăng so với đồng USD. Các nhà đầu tư cũng đang thận trọng theo dõi cuộc họp của lãnh đạo các nước G7 tổ chức tại Tokyo tuần tới.

Trong khi đó, với những nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục nối dài chuỗi ngày giảm điểm của mình.

Kết thúc phiên 19/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1,97 (+0,01%), lên 16.646,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 132,08 (-0,67%), xuống 19.694,33 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 0,61 điểm (-0,02%), xuống 2.806,91 điểm.

Biên bản cuộc họp tháng 4 gây bất ngờ của Fed khiến đồng USD tăng mạnh và tiếp tục tác động tiêu cực lên giá vàng. Sau khi giảm mạnh trong phiên thứ Tư, giá vàng tiếp tục điều chỉnh trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 3 tuần.

Kết thúc phiên 19/5, giá vàng giao ngay giảm 3,3 USD (-0,26%), xuống 1.254,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 19,6 USD (-1,54%), xuống 1.254,8 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm, nhưng mức giảm nhẹ hơn nhiều so với phiên trước khi việc đồng USD tăng mạnh được bù đắp bởi thông tin nguồn cung gián đoạn tại Canada và Nigeria.

Kết thúc phiên 19/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,03 USD (-0,06%), xuống 48,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,12 USD (-0,25%), xuống 48,81 USD/thùng.

Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoan

028.37273883