Thông thường, các thị trường này, nhất là giá vàng và chứng khoán thường có diễn biến trái chiều nhau. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần qua, cả chứng khoán, giá vàng và dầu thô đều đóng cửa trong sắc xanh và tất cả đều có tuần tăng ấn tượng.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên phục hồi thứ 4 liên tiếp trong phiên cuối tuần qua sau khi có 2 phiên giảm mạnh nhất trong 10 tháng do ảnh hưởng bởi cuộc bỏ phiếu Brexit tại Anh. Phiên tăng điểm cuối tuần qua của phố Wall dù khiêm tốn hơn 3 phiên trước đó, nhưng cũng đủ giúp S&P 500 có tuần tăng điểm tốt nhất kể từ tháng 11/2015.
Chứng khoán Mỹ phục hồi sau sự kiện Brexit nhờ dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ liên tiếp được công bố.
Dữ liệu hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy, hoạt động nhà máy của Mỹ tiếp tục được mở rộng với tốc độ tích cực trong tháng 6. Theo đó, đơn đặt hàng mới, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng, cho thấy sản xuất của Mỹ đã lấy lại thăng bằng sau khi suy yếu vào đầu năm nay.
Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Dow Jones tăng 19,38 điểm (+0,11%), lên 17.949,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,09 điểm (+0,19%), lên 2.102,95 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 19,9 điểm (+0,41%), lên 4.862,57 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 3,15%, chỉ số S&P 500 tăng 3,22% và chỉ số Nasdaq tăng 3,28%. Như vậy, phố Wall đã đòi lại được cả vốn lẫn lãi đã bị đánh mất do sự kiện Brexit tuần trước đó.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên cuối tuần qua khi được nâng đỡ bởi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ hành động để đối phó nếu xảy ra rủi ro với nền kinh tế khu vực do tác động từ sự kiện Brexit.
Cụ thể, ông Benoit Coeure, thành viên Hội đồng điều hành ECB nói với tờ Le Monde rằng, Ngân hàng sẵn sàng hành động nếu họ cảm thấy bị đe dọa bởi sự kiện Brexit.
Kết thúc phiên 1/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 73,5 điểm (+1,13%), lên 6.577,83 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 96,03 điểm (+0,99%), lên 9.776,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,48 điểm (+0,86%), lên 4.273,96 điểm.
Với 4 phiên tăng mạnh liên tiếp trong tuần qua sau khi có 3 phiên giảm liên tiếp do lo ngại về Brexit, đặc biệt là trong phiên 24/6 và 27/6, chứng khoán châu Âu không chỉ bù đắp hết những gì đã mất, mà còn có tuần tăng điểm ấn tượng. Trong đó, chỉ số FTSE 100 tăng tới 7,15%, chỉ số DAX tăng 2,29% và chỉ số CAC 40 tăng 4,07%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông nghỉ phiên giao dịch cuối tuần, thì chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc có được phiên tăng nhẹ.
Chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư vẫn được duy trì do ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Âu, Mỹ.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ thông tin tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ trong tháng 6 và những nỗ lực cuả Bắc Kinh để giảm bớt những lo ngại về sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ.
Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 106,56 điểm (+0,68%), lên 15.682,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 3,22 điểm (+0,11%), lên 2.932,82 điểm. Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.
Với sự phục hồi ấn tượng trong tuần sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc bỏ phiếu Brexit tại Anh cuối tuần trước đó, tuần qua, các chỉ số chính của chứng khoán châu Á đã phục hồi ấn tượng. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,89%, chỉ số Hang Seng tăng 2,64% và chỉ số Shanghai Composite tăng 2,78%.
Dù không còn quá đột biến như phiên đầu tuần, nhưng sự kiện Brexit vẫn đem lại động lực cho đà tăng của giá vàng. Trong phiên cuối tuần qua, nhờ đồng USD giảm trở lại sau phiên hồi phục hôm thứ Năm, giá vàng đã khởi sắc trở lại sau 3 phiên lình xình.
Kết thúc phiên 1/7, giá vàng giao ngay tăng 20,2 USD (+1,53%), lên 1.341,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 24,3 USD (+1,84%), lên 1.344,9 USD/ounce.
Dù nhà đầu tư đã trở lại với thị trường chứng khoán, khiến vai trò trú ẩn của vàng giảm xuống, nhưng với phiên tăng mạnh cuối tuần và đầu tuần, giá kim loại quý này tiếp tục có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, thậm chí còn mạnh hơn tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,00%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,96%.
Dù giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã bớt lo lắng về Brexit, nhưng với các nhà phân tích và giới đầu tư trên thị trường vàng, sự kiện này sẽ tiếp tục giúp ích cho giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò tuần này, có 574 người tham gia, trong đó có 372 người, chiếm 65% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần này, nhỉnh hơn tuần trước 2 điểm phần trăm, trong khi chỉ có 119 người, chiếm 21% dự báo giá sẽ giảm và 83 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.
Còn trong số 15 chuyên gia trả lời, có tới 73% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này (bằng tuần trước), 20% số người dự đoán giá vàng sẽ điều chỉnh và 7% số người giữ quan điểm trung lập.
Cũng giống chứng khoán và giá vàng, giá dầu thô cũng chốt tuần qua trong sắc xanh. Giá dầu thô hồi phục trở lại phiên cuối tuần nhờ đồng USD giảm mạnh, tác động tích cực tới giá các loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD như vàng, dầu thô…
Kết thúc phiên 1/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,66 USD (+1,35%), lên 48,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,16 USD (+0,32%), lên 49,84 USD/thùng.
Phiên phục hồi cuối tuần, cùng với 2 phiên tăng mạnh đầu tuần đã giúp giá dầu thô có tuần tăng giá tốt nhất kể từ giữa tháng 5. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ tuần qua tăng 2,83% và giá dầu thô Brent tăng 2,95%.
Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan