Chính phủ Ấn Độ đối mặt thách thức do tăng giá nhiên liệu

 

Các cuộc biểu tình ở Ấn Độ nhằm phản đối giá xăng và dầu diesel tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và trường học ở nhiều địa phương buộc phải đóng cửa trong ngày 10/9.

Tại một số địa phương, người biểu tình thậm chí còn có hành động quá khích, phá hoại xe cộ và cản trở hoạt động đường sắt và đường bộ lưu thông.

Những hình ảnh phát trên tuyền hình cho thấy tại thành phố Patna, thủ phủ bang Bihar, người biểu tình đập phá xe ô tô và cửa sổ xe buýt, trong khi đó người biểu tình ở nhiều bang khác, trong đó có bang Gujarat, đốt lốp xe, gây cản trở giao thông trên đường phố.

Sự việc diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa diễn ra tổng tuyển cử tại quốc gia châu Á này, trong khi một số cuộc bầu cử địa phương diễn ra vào cuối năm nay. Hiện một số đảng đối lập của Ấn Độ đã “bắt tay” tiến hành chiến dịch chống đối lần đầu tiên nhằm vào chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.

Hiện thuế các loại nhiên liệu xăng và dầu diesel ở Ấn Độ chiếm hơn 1/3 giá bán lẻ các nhiên liệu này và đây cũng là một trong nguồn thu ngân sách lớn nhất của Chính phủ Ấn Độ. Vấn đề này cũng gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, khác biệt so với các chính phủ Ấn Độ ở những thời kỳ trước đây thường đưa ra chính sách giảm thuế khi giá dầu quốc tế tăng cao, chính quyền của Thủ tướng Modi cho đến nay ít khi tỏ ra nhượng bộ trong vấn đề này.

Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi cáo buộc lực lượng đối lập “chính trị hóa không cần thiết” vấn đề gia xăng tăng cao và đồng nội tệ rupee trượt giá, vốn được cho là do chịu tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, thực tế là tỷ lệ ủng hộ ông Modi đi xuống trong vài tháng gần đây và đảng BJP dường như sẽ phải đối mặt với thách thức lớn tại cuộc tổng tuyển cử dự kiễn diễn ra vào đầu năm 2019./.

Nguồn: BNEWS

028.37273883